Cơ sở tư liệu của "Việt Sử Giai Thoại" là chính sử, nhưng bản thân "Việt Sử Giai Thoại" lại không được biên soạn theo đúng nhửng quy phạm riêng của sử học. Bạn muốn hiểu được một cách khái quát về một triều đại chăng? Xin bạn hãy đọc các bộ sử chính thống. Bạn muốn hiểu một cách toàn diện về các nhân vật lịch sử chăng? Xin bạn hãy đọc các sách viết về danh nhân. Bạn muốn biết phép dạy người và kinh nghiệm ứng xử của cha ông trong từng sự việc cụ thể chăng ? Trong trường hợp đó, xin bạn hãy dành chút thời gian làm bạn với sách này. Ở đây, chuyện vui buồn, chuyện tốt xấu, chuyện hay dở... đều có cả.
Song, xin bạn chớ bao giờ khái quát một triều đại hay một con người mà chỉ thông qua một giai thoại riêng rẽ nào đấy của sách này, bởi vì làm như thế ắt không tránh khỏi sự phiến diện. Cổ nhân nói quá tin vào sách chẳng bằng không có sách là để nhắc nhở chúng ta trong trường hợp đại loại như thế này chăng?
Trước mỗi sự kiện, mỗi vấn đề của lịch sử, mỗi người có thể có một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Chính cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau đó đã xác định vị trí cũng rất khác nhau của họ trong lịch sử ranh giới giữa bạn và thù, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa anh hùng và phản bội, giữa cao thượng và thấp hèn... cũng đều từ đó mà phát sinh và nẩy nở. Bởi lí do ấy, mọi cố gắng dùng lời bàn của người viết để tìm cách ấn định suy nghĩ của người đọc là điều hoàn toàn không nên, Song, viết sách mà không một lời thể hiện chút lòng riêng của người viết thì kể cũng là điều tối kị.