Văn hoá trong tương quan với kinh tế đời sống, được nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhìn nhận: “Văn hoá không phải cái bù đắp thiếu sót kinh tế, mà trái lại trong xã hội văn minh, kinh tế là hoạt động mang tính văn hoá. Việc làm giàu và làm sạch môi trường lại có thể nói được quyết định bởi phương thức văn hoá”
Chuyện hưởng thụ thẩm mỹ ngày nay được ông mổ xẻ: “Ứng xử xã hội trở nên thực dụng thì thẩm mỹ cũng mang tính thực dụng như một thứ thị hiếu trọc phú, khả năng thưởng thức tinh thần thuần tuý, sự mơ mộng cũng mất dần”.
Và vấn đề được đẩy xa hơn để nắm bắt chân tướng nghệ thuật hiện đại, ông luận giải: “Những vật chất công nghiệp ít tính kỷ niệm hơn vật chất thủ công, khiến con người hiện đại sống rất gần nhau, nhưng lạc lõng như trên hoang đảo. Đây chính là đặc điểm của nghệ thuật hiện đại, bơ vơ khi ở cạnh nhau, càng cố gắng khác nhau, thì càng giống nhau như không thể khác được. Thử nhìn vào các nghệ sĩ sắp đặt và trình diễn chẳng hạn. Thoạt đầu thấy lạ lẫm, khó hiểu, nhưng càng ngày càng thấy những tính cách người Việt không chệch đi đâu được, từ cách tổ chức đến cấu trúc tác phẩm. Sáng tác ấy là hệ quả tất yếu của một quá trình đòi hỏi cái nhìn thay đổi mà lại không dám thay đổi gì, do đó thoạt tiên là thay đổi nghệ thuật, sau đó chẳng thay đổi được gì cả. Song nếu chỉ thay đổi hình thức nghệ thuật, mà bản thân người nghệ sĩ không thay đổi, thì có gì gọi là thay đổi”.
Cuốn sách còn có những trang viết khá sắc sảo, hài hước về thị trường tranh đang phô bày bộ mặt nhiễu nhương, sự ít ỏi và thực dụng càng về sau càng rõ rệt của những nhà sưu tập, buôn bán tranh đến bài học bi hài về các bảo tàng trong nước chưa làm tròn nhiệm vụ của mình, tới mức muốn xem tranh Việt một cách hoành tráng đầy đủ nhất thì phải… ra nước ngoài!
Ở nhiều trang trong cuốn sách, có thể cảm nhận rõ sự khắt khe và kỹ lưỡng hoà trộn với xúc cảm tinh tế và bay bổng, cuốn sách này dắt dụ độc giả đi miên man trên những miền thời gian, không gian văn hoá để cảm nhận, từ gốm sứ thanh nhã mạnh mẽ thời Lý, Trần đến cái âm hưởng rừng trong mặt tượng nhà mồ Tây Nguyên, từ cái triết lý trong bức tranh trẻ chăn trâu của nhà Phật đến tinh thần kiến trúc trên những chùa chiền Bắc bộ…
Tuy có nhiều bài viết bị lặp ý, sự sắp xếp bố cục cuốn sách có bốn phần, nhưng vẫn còn đem lại cảm giác tản mạn, hơi tham. Bỏ qua những điều đó, thì Nghệ thuật ngày thường là một cuốn sách rất đáng đọc không chỉ đối với người làm nghề, quan tâm đến mỹ thuật mà cả những ai quan tâm, biết ơn đến giá trị văn hoá, nghệ thuật nói chung.
Và cuối cùng, có thể ghi nhận: không dễ gì một nhà nghiên cứu uyên bác, một chuyên gia lại có thể sử dụng thành thạo một ngôn ngữ gần gũi, tự nhiên, bình dị đến như thế ngay cả trong chuyện quan điểm học thuật, đời sống ngỡ to tát nọ kia. Vì trong bối cảnh phê bình học thuật hiện nay, điều thường thấy là người ta vẫn hay làm ngược lại: lùa mọi thứ ấm ớ vào chiếc lồng dát vàng, ra vẻ ngoa ngôn cao siêu và hàn lâm!
Nguyễn Vĩnh Nguyên
(Nguồn: Báo SGTT)
Mục lục:
Suy nghĩ về nghệ thuật
Nghệ thuật ngày thường
Các hoạ sĩ
Tản văn nhàn đàm
Nông thôn và kiến trúc.