Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm chính của một trong những hướng nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc gia Hà Nội do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế thực hiện hàng năm kể từ năm 2009. Mục đích của Báo cáo là góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam trên cơ sở tổng kết và phân tích một cách độc lập, khách quan những thành tựu, khó khăn, cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế lớn và chuyên sâu.
Theo thông lệ, cứ đến dịp tháng 5, VEPR lại công bố bản thảo Báo cáo, đem đến cho giới nghiên cứu, những nhà hoạch định chính sách và độc giả Việt Nam những kết quả nghiên cứu mới được nhóm tác giả dày công chuẩn bị trong suốt một năm về tình hình kinh tế vĩ mô và các vấn đề kinh tế chuyên sâu của Việt Nam. Những thảo luận cụ thể trong từng chương của Báo cáo được thực hiện với phương pháp tiếp cận hiện đại, dựa trên các bằng chứng thực nghiệm, số liệu thống kê đuợc cập nhật và phân tích một cách nghiêm mật đã làm tăng uy tín của Báo cáo, góp phần đưa Báo cáo trở thành một thương hiệu không chỉ của VEPR mà của cả Đại học Quốc gia Hà Nội.
Các báo cáo được công bố trong nửa đầu năm, nhưng đều thảo luận cặn kẽ những vấn đề kinh tế căn bản của năm, với những dự báo mà theo thời gian, đã được kiểm định là có độ chính xác cao. Báo cáo được xây dựng bởi đội ngũ các nhà nghiên cứu có uy tín trong nước và các nhà chuyên gia nước ngoài. Trong quá trình hoàn thiện để trở thành ấn phẩm trên tay độc giả, Báo cáo đã nhận được sự phản biện, góp ý của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, kinh tế quốc tế, tài chính – ngân hàng v.v.
Với ý nghĩa đóng góp thiết thực mà Báo cáo đã trở thành tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô tại Việt Nam. Đồng thời, chuỗi Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam (2009-2013) đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Bảo Sơn vì sự nghiệp phát triển bền vững.
Đặc biệt, năm nay, bản thảo tiếng Anh của chuỗi Báo cáo hiện đã được mua bản quyền, tiến tới xuất bản tại Nhật Bản. Như vậy, Báo cáo không chỉ góp phần thiết thực vào việc tăng cường tri thức của độc giả Việt Nam, mà còn đưa tiếng nói của trí thức Việt Nam đến với thế giới. Đây là thành công của Nhóm tác giả đã miệt mài, hăng say thực hiện Báo cáo trong suốt 5 năm qua, cũng là “quả ngọt” bước đầu của trường Đại học Kinh tế và Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc xây dựng thương hiệu “Đại học nghiên cứu”.
Sau hai Báo cáo được thực hiện vào các năm 2012 và 2013 để thảo luận chuyên sâu về tiến trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam, Báo cáo năm nay trở lại với việc phân tích, nghiên cứu về tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn.
Chúng tôi tin rằng Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014: Những ràng buộc đối với tăng trưởng sẽ tiếp tục đưa đến cho độc giả - những người đã quen thuộc với chuỗi Báo cáo trong suốt 5 năm qua – những thông tin hữu ích về các vấn đề căn bản của kinh tế Việt Nam, thông qua cách tiếp cận mang tính hàn lâm và bài bản.
Thông tin về đơn vị thực hiện:
TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU KINH TẾ VÀ CHÍNH SÁCH (VEPR) được thành lập ngày 7/7/2008, là trung tâm nghiên cứu trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. VEPR có tư cách pháp nhân, đặt trụ sở chính tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.
Mục tiêu của VEPR là thực hiện các nghiên cứu kinh tế và chính sách nhằm giúp nâng cao chất lượng ra quyết định của các cơ quan hoạch định chính sách, doanh nghiệp và các nhóm lợi ích, dựa trên sự thấu hiểu bản chất của những vận động kinh tế và quá trình điều hành chính sách vĩ mô ở Việt Nam. Hoạt động chính của VEPR bao gồm phân tích định lượng và định tính các vấn đề của nền kinh tế Việt Nam và tác động của chúng tới các nhóm lợi ích; tổ chức các hội thảo đối thoại chính sách với mục đích tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức xã hội cùng gặp gỡ, trao đổi nhằm đề xuất giải pháp cho các vấn đề chính sách quan trọng hiện hành; đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo cao cấp về kinh tế, tài chính và phân tích chính sách.
MỤC LỤC:
Lời cảm ơn
Mục lục
Danh mục hình và đồ thị
Danh mục bảng
Danh mục hộp
Danh mục các chữ viết tắt
Tóm tắt báo cáo
Chương 1: Tổng quan kinh tế thế giới 2013
Dẫn nhập
Tăng trưởng toàn cầu trên quỹ đạo thấp
Thương mại tiếp tục trì trệ
Hiệp định thương mại chỉ đạt được một số ít thỏa thuận
Dòng vốn toàn cầu tăng nhẹ
Giá đầu vào ổn định
Làn song nới lỏng tiền tệ tại một số nền kinh tế chủ chốt
Triển vọng năm 2014 và xa hơn
Thay lời kết luận: Hàm ý cho Việt Nam
Tài liệu tham khảo
Chương 2: Tổng quan kinh tế Việt Nam 2013
Dẫn nhập
Diễn biến kinh tế vĩ mô
Các thành phần của tổng cung
Các thành phần của tổng cầu
Các cân đối vĩ mỗ
Thị trường vốn và thị trường tiền tệ
Thị trường tài sản
Chính sách kinh tế vĩ mô
Kết luận
Tài liệu tham khảo
Chương 3: Xác định các ràng buộc từ phương pháp đoán tăng chưởng cho Việt Nam
Dẫn nhập
Khung phân tích chẩn đoán tăng trưởng
Chuẩn đoán tăng trưởng cho Việt Nam
Tóm lược và hàm ý chính sách
Tài liệu tham khảo
Chương 4: Đánh giá hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam bằng Chỉ số Lành mạnh Tài chính (FSIs)
Dẫn nhập
Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam
Độ Lành mạnh của hệ thống tài chính ngân hàng và các chỉ số Lành mạnh tài hcisnh (FSIs)
Phân tích các chỉ số lành mạnh tài chính đối với hệ thống ngân hàng của Việt Nam
Kết luận và hàm ý chính sách
Tài liệu tham khảo
Phụ lục
Chương 5: Hành trình hội nhập kinh tế quốc tế: Đằng sau sự kfy vọng của Việt Nam
Dẫn nhập
Hành trình hộp nhập của Việt Nam và những ràng buộc nội tại
Hiệp định TPP: Cơ hội cùng với những thách thức lớn
Lợi thế so sánh hiện hữu
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và sự tham gia của Việt Nam
Hàm ý chính sách
Lời kết
Tài liệu tham khảo
Chương 6: Lựa chọn chính sách năng lượng của Việt Nam
Dẫn nhập
Cung và cầu điện năng
Nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện
Mô hình hóa và so sánh các nguồn năng lượng điện
So sánh tỷ lệ hoàn vốn và các phương án sản xuất điện
Hạn chế của mô hình
Kết luận
Hàm ý về kinh tế
Tài liệu tham khảo
Chương 7: Viễn cảnh kinh tế năm 2014 và hàm ý chính sách
Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2014
Khuyến nghị chính sách
Phụ lục báo cáo
Phụ lục 1: Phụ lục thống kê
Phụ lục 2: Chính sách kinh tế chính trong năm 2012