Thông điệp của một thương hiệu sẽ chịu tác động như thế nào trên đường đến với đối tác? Làm sao để nội cảm của người tiêu dùng “đồng tấu” với nội tưởng của thương hiệu? Nike với logo hình dấu phẩy đã được huyền thoại hóa như thế? Vì sao xe Jeep Wrangler lại gắn với hình ảnh “con ngựa” ở Bắc Mỹ và hình ảnh “người giải phóng” ở Tây Âu? Làm sao có được sự cộng cảm của năm dòng thông tin hiển ngôn về thương hiệu?... Những câu hỏi này chỉ được trả lời một cách thỏa đáng khi hiểu được những phản ứng, xung lực bắt nguồn từ những trầm tích văn hóa, lịch sử; những mong muốn khát vọng được thăng hoa vốn ẩn sâu trong tâm thức con người. Nói cách khác, quản trị thương hiệu hiện đại đòi hỏi phải vận dụng những thành quả nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, phân tâm học, xã hội học, nhân chủng học, triết học… vào thực tiễn họat động. Với lượng thông tin rất phong phú, mới mẻ và nhiều phân tích, luận giải sắc sảo, đầy tính thuyết phục, cuốn sách “Dấu ấn thương hiệu” tập IIIA của Giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm sẽ giúp người đọc thâm nhập sâu vào cốt lõi của thương hiệu.