Tác giả: Tổng cục dạy nghề
Số trang: 300
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 27-11-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" (gọi tắt là Đề án 1956). Đề án 1956 đã đề ra mục tiêu tổng quát: "Bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã. Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn...". Đề án đã đề ra đồng bộ các chính sách đối với người học nghề, người dạy nghề, các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn và đề ra 5 nhóm giải pháp với 8 nhóm hoạt động cụ thể, trong đó có các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về học nghề.
Để góp phần thực hiện thành công Đề án 1956, một trong những hoạt động trọng tâm trong giai đoạn đầu của Đề án là thực hiện thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn, từ đó lựa chọn những mô hình hay, hiệu quả để áp dụng và nhân rộng. Một số mô hình dạy nghề được thực hiện thí điểm bước đầu có kết quả tích cực, như dạy nghề cho lao động ở các vùng chuyên canh, chuyên con; dạy nghề cho lao động trong các làng nghề truyền thống; đặt hàng dạy nghề và giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp... Để kịp thời tuyên truyền, phổ biến những kết quả đã đạt được, Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề - Tổng cục Dạy nghề đã tổ chức biên soạn cuốn sách Mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, dưới sự chỉ đạo và chủ biên của TS. Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề. Cuốn sách được biên soạn dựa trên các tài liệu nghiên cứu, các tài liệu thực tế, đặc biệt là việc đúc kết từ các mô hình do Tổng cục Dạy nghề tổ chức triển khai và các mô hình do các địa phương thực hiện trong thời gian qua. Nội dung của cuốn sách nêu những vấn đề chung về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; những mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn đã được triển khai trong thực tế và những vấn đề đặt ra.
Hy vọng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho những người làm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn các cấp, nhà hoạch định chính sách, tổ chức đào tạo, các cá nhân và tổ chức quan tâm đến dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động xã hội.