Tác giả: GS. TS. Phạm Quang Trung
Số trang: 352
Giá tiền: 57.000 đồng
Trên thế giới, tập đoàn kinh tế đã xuất hiện rất sớm cùng với quá trình tích tụ và tập trung tư bản nửa cuối thế kỷ XIX. Dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang diễn ra như vũ bão, các tập đoàn kinh tế có vị thế ngày càng tăng trong nền kinh tế quốc gia và thế giới.
Ở Việt Nam, trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm tạo ra những “trụ cột” kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Sự ra đời của các tập đoàn kinh tế nhà nước trong thời gian qua ở nước ta cho thấy vai trò đầu tàu, chi phối, bảo đảm việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thực tế hoạt động của các tập đoàn kinh tế đã và đang nổi lên không ít các vấn đề bất cập, gây bức xúc trong xã hội. Trước tình hình đó, việc tìm hiểu và luận giải một cách sâu sắc về mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước đang là một đòi hỏi bức thiết không chỉ đối với giới nghiên cứu mà còn đối với đông đảo các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách.
Để góp phần tìm hiểu và làm rõ hơn những vấn đề liên quan tới mô hình tổ chức, mô hình quản lý, mô hình kiểm soát,… của các tập đoàn kinh tế nhà nước, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách Mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam đến năm 2020 do GS. TS. Phạm Quang Trung làm chủ biên.
Nội dung kết cấu cuốn sách gồm có 3 chương đã đi sâu vào: hệ thống hóa các quan niệm khác nhau về tập đoàn kinh tế, tập đoàn kinh tế nhà nước và khẳng định về mặt lý luận không có một mô hình tập đoàn chung, tối ưu cho mọi tập đoàn kinh tế khác nhau; thông qua việc nghiên cứu một số tập đoàn kinh tế tiêu biểu trên thế giới và nghiên cứu kinh nghiệm về phát triển tập đoàn kinh tế của Mỹ, Đức, Trung Quốc, Xingapo và Nhật Bản để rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Nội dung cuốn sách phân tích rõ nét và tương đối toàn diện thực trạng mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Namhiện nay trên các mặt: cấu trúc sở hữu, liên kết, cơ cấu tổ chức, cơ cấu vận hành trong nội bộ, về kiểm soát nội bộ trong tập đoàn kinh tế nhà nước. Từ việc nghiên cứu tổng kết quá trình hình thành, phát triển và thực trạng mô hình và hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam, cuốn sách đã đưa ra những đánh giá chủ yếu về những thành công, hạn chế và nguyên nhân hạn chế trong hoạt động của mô hình tập đoàn kinh tế ở Việt Nam. Các tác giả cũng đã đưa ra các chủ trương, định hướng về hoàn thiện mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Trên cơ sở những định hướng chủ yếu đối với phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước, cuốn sách đã đưa ra 7 giải pháp và 2 kiến nghị về hoàn thiện mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước đến năm 2020.