"...Lão Tử là một hiện tượng khá lạ trong lịch sử triết học của nhân loại. Ông là một triết gia lớn, ảnh hưởng tới cả Á Đông ngang với Khổng Tử, thời nào cũng được dân tộc Trung Hoa tôn trọng, không như Mặc Tử mà tên tuổi bị chìm luôn trong hai ngàn năm; có phần còn hơn Khổng Tử nữa vì chưa hề bị mạt sát tàn nhẫn như họ Khổng trong bảy tám chục năm nay; mà từ năm 165 (đời Hậu Hán) lại còn được Đạo gia tôn làm Thái Thượng Lão Quân, một trong ba vị thần tối cao của họ; đền thờ ông, Đại thanh cung, tương truyền dựng ở tại nơi ông sinh, hiện nay vẫn còn ở tỉnh Hà Nam, hương khói lúc này có thể đã lạnh, nhưng pho tượng cao bốn mét của ông thì may ra vẫn còn..."
Đạo Đức Kinh chỉ gồm hơn 5000 chữ nhưng có lẽ là tác phẩm ngắn nhất mà có ảnh hưởngto lớn nhất trong lịch sử văn hoá phương đông. Điều độc đáo so với các kinh sách cổ điển khác là quyển sách này càng ngày càng nổi tiếng và được nhiều người tìm đọc hơn. Trong những năm vừa qua, Đạo Đức Kinh lại tiếp tục đi vào thế giới tri thức và văn hoá phương Tây. Riêng Anh ngữ cũng đã có hơn 60 bản dịch khác nhau.
Đạo Đức Kinh xuất hiện từ hơn 2.500 năm trước đây. Tuy nhiên, văn bản cổ đã bị thất lạc từ lâu. Văn bản cổ nhất là bản khắc trên núi đá vào năm 708. Hơn hai ngàn năm qua các học giả Trung Hoa đã không ngừng bàn thảo về vấn đề văn bản Đạo Đức Kinh, vì vẫn thiếu một văn bản gốc đáng tin cậy và đầy đủ. Cho đến đầu thế kỷ hai mươi, cuộc khám phá ra kho sách cổ điển lớn ở Đôn Hoàng cũng chỉ mang lại cho ta vài chương rời rạc chép vào năm 279.
Cho đến tháng 12 năm 1973, giới khảo cổ tìm ra ngôi cổ mộ thời nhà Hán ở thôn Mã Vương Đôi, Trường Sa, Hà Nam. Trong số 51 tài liệu cổ quí giá tìm lại được này có 2 bản Đạo Đức Kinh được chép vào khoảng năm 190 trước Tây lịch. Đây là văn bản cổ nhất, xuất hiện trước bản khắc trên núi đá cả 900 năm. Bản văn cổ này đã trả lời giúp chúng ta nhiều thắc mắc mà hai ngàn năm qua các học giả đã liên tục tranh luận.
Trân trọng giới thiệu!