Phát triển kinh tế và nông nghiệp là những lĩnh vực rộng lớn, đa dạng cho nghiên cứu, nhất là ở Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển theo hướng bền vững. Trong nghiên cứu, để đi đến những kết luận từ những phát hiện đòi hỏi phải xác lập những luận cứ khoa học. Đây cũng là thách thức và thể hiện giá trị khoa học của các nhà nghiên cứu. Trong thực tiễn ở Việt Nam, một số công trình nghiên cứu, mặc dù có sự nỗ lực rất lớn nhưng vẫn còn lúng túng và chưa trình bày được phương pháp nghiên cứu khoa học kinh tế trong tiếp cận nghiên cứu, nhất là phương pháp nghiên cứu định lượng.
Cuốn sách này ra đời nhằm giúp cho những nhà nghiên cứu, học viên thạc sĩ, nghiên cứu sinh có thêm tài liệu tiếp cận phương pháp nghiên cứu định lượng trong lĩnh vực kinh tế phát triển và kinh tế nông nghiệp. Phương pháp nghiên cứu định lượng khác với nghiên cứu định tính ở chỗ dữ liệu được dùng để khám phá bản chất của các hiện tượng kinh tế. Dựa trên những dữ liệu thu thập, các công cụ thống kê, mô hình kinh tế lượng được sử dụng nhằm tìm hiểu bản chất của hiện tượng và mang tính khái quát cho số đông nghiên cứu. Đôi lúc chúng ta thường ngộ nhận, tiếp cận định lượng là phải dùng các mô hình kinh tế lượng. Điều này đúng nhưng chưa đủ! Mô hình định lượng được hình thành trên những nền tảng lý thuyết kinh tế học nào? Thiếu kiến thức này sẽ không thể có mô hình định lượng. Có lý thuyết, mô hình định lượng nhưng nếu thiếu kỹ năng sử dụng các phần mềm thống kê thì nhà nghiên cứu cũng khó có thể tiếp cận được phương pháp định lượng theo đúng bản chất của nó. Dựa trên quan điểm xuyên suốt này, tác giả nỗ lực biên soạn theo hướng mỗi mô hình ứng dụng trong kinh tế được trình bày trên bốn khía cạnh: (1) Luận cứ khoa học của mô hình; (2) Mô hình định lượng cụ thể và thích hợp được lựa chọn; (3) Sử dụng phần mềm thống kê để vận hành mô hình; và (4) Tình huống cụ thể cho người đọc tự ứng dụng. Trong cuốn sách này, tác giả sử dụng phần mềm SPSS phiên bản 18.0 để hướng dẫn xử lý dữ liệu và kèm CD phụ lục dữ liệu cho phân tích.
Cần nhấn mạnh rằng cuốn sách này không đi sâu vào chứng minh các công cụ kiểm định của kinh tế lượng mà tập trung vào ứng dụng nó trong phân tích kết quả của mô hình định lượng. Nội dung cuốn sách bao gồm hai phần: (1) Phương pháp nghiên cứu định lượng; và (2) Những công trình nghiên cứu thực tiễn mà tác giả đã thực hiện.
Phần 1 trình bày việc ứng dụng các mô hình định lượng trong phân tích kinh tế phát triển và nông nghiệp, và cách viết một bài báo khoa học kinh tế. Nội dung chính phần này bao gồm bốn mô hình định lượng thường sử dụng trong nghiên cứu hiện nay tại Việt Nam cũng như trên thế giới: (1) Kiểm định trung bình mẫu độc lập và Chi bình phương trong việc nhận diện tính khác biệt của một biến kinh tế; (2) Mô hình hồi quy tuyến tính đa biến; (3) Mô hình hồi quy Binary Logistic; và (4) Mô hình phân tích nhân tố khám phá.
Mỗi mô hình được ứng dụng trong vấn đề nghiên cứu kinh tế khác nhau. Mô hình sử dụng kiểm định thống kê sẽ áp dụng cho nghiên cứu phân tích việc ứng dụng công nghệ mới và hiệu quả kinh tế của nó đối với người sản xuất lúa. Mô hình hồi quy đa biến ứng dụng cho phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng nông nghiệp và kiến thức nông nghiệp. Mô hình hồi quy Binary Logistic dùng để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến nghèo và thay đổi thu nhập của người dân sau khi thu hồi đất ở các khu công nghiệp. Mô hình phân tích nhân tố khám phá áp dụng cho các nghiên cứu: (1) Các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp; (2) Các yếu tố tác động đến sự hài lòng của cộng đồng dân cư gắn với khu công nghiệp; (3) Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của học viên khuyến nông đối với chương trình tập huấn công nghệ mới cho nông dân; (4) Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế. Tác giả cũng cung cấp dữ liệu thực tế cho mỗi mô hình để người đọc tự xử lý.
Ngoài ra, trong phần này cũng trình bày hình thức một bài báo khoa học kinh tế theo yêu cầu của các tạp chí khoa học chuyên ngành. Dựa vào tiêu chuẩn của tạp chí nước ngoài, trong nước và kinh nghiệm của bản thân, tác giả gợi ý cho người đọc làm cách nào thể hiện kết quả nghiên cứu thực tế thông qua một bài báo khoa học, với chi tiết của nội dung và trích nguồn tham khảo.
Phần 2 trình bày những công trình nghiên cứu thực tiễn của tác giả trong 10 năm gần đây đối với lĩnh vực kinh tế phát triển và kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam với những cách tiếp cận đa chiều. Phần này bao gồm năm chủ đề: (1) Phát triển nông nghiệp bền vững; (2) Tăng trưởng nông nghiệp và thu nhập nông dân; (3) Ứng dụng công nghệ mới và giảm rủi ro trong nông nghiệp; (4) Thị trường tín dụng; và (5) Công nghiệp hóa nông nghiệp - nông thôn.
Chủ đề 1: Bao gồm bốn bài viết về lý thuyết phát triển bền vững, nghèo và môi trường tự nhiên, đầu tư cho con người, kinh tế trang trại.
Chủ đề 2: Bao gồm sáu bài viết trình bày các khía cạnh thuộc các yếu tố của tăng trưởng, dự báo trình độ phát triển kinh tế, năng suất lao động – thu nhập và các yếu tố ảnh hưởng.
Chủ đề 3: Gồm sáu bài viết về hiệu quả kinh tế của ứng dụng công nghệ mới, đo lường trình độ kiến thức nông nghiệp, vai trò khuyến nông và thể chế giảm rủi ro giá bán nông sản.
Chủ đề 4: Gồm sáu bài viết về lý thuyết thị trường tín dụng, hiệu quả hoạt động của các định chế tín dụng, hài lòng về chất lượng dịch vụ tín dụng.
Chủ đề 5: Có sáu bài viết tập trung vào tác động của phát triển các khu công nghiệp ở vùng nông thôn trên các khía cạnh thu hút đầu tư, sự thay đổi thu nhập, và chất lượng cuộc sống cộng đồng dân cư gắn với các khu công nghiệp.
Hầu hết các bài viết đã được công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành cấp quốc gia trong và ngoài nước: Savings and Development (Italia), Journal of Agricultural Economics (India), tạp chí Phát triển kinh tế, Tạp chí Kinh tế và phát triển, tạp chí Nghiên cứu kinh tế, tạp chí Cộng sản và trong các Kỷ yếu khoa học được xuất bản từ các hội thảo của cơ quan trung ương, trường đại học, viện nghiên cứu.