Tác giả: PGS. TS. Lê Quốc Lý (Chủ biên)
Số trang: 416
Giá tiền: 67.000đ
Cuốn sách Những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020 của tập thể tác giả Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, do PGS. TS. Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện làm chủ biên, đặt ra 3 nội dung lớn cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn, yếu kém của nền kinh tế, đưa nền kinh tế đất nước phát triển trong giai đoạn 2011-2020, đó là: những vấn đề cần giải quyết về mặt lý luận; những vấn đề thực tiễn cần giải quyết thông qua việc nhận diện hiện trạng nền kinh tế sau hơn 26 năm đổi mới; những định hướng lớn nhằm phát triển nền kinh tế trong giai đoạn 2011-2020.
Các tác giả đã đi từ vấn đề chung là đánh giá hiện thực các mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam qua hơn 26 năm, cho tới các vấn đề cụ thể như: nhận diện lạm phát ở Việt Nam, việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội trong bối cảnh lạm phát cao, những nghịch lý trong mô hình tăng trưởng… Theo các tác giả, mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam hơn 26 năm đã đổi mới rất đa dạng, với 3 mô hình chủ yếu tác động trực tiếp đến quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam: mô hình tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng; mô hình tăng trưởng chủ yếu bằng số lượng; mô hình phát triển kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Dù còn nhiều bất cập và hạn chế, nhưng những kết quả và thành tựu mà các mô hình tăng trưởng đem lại là rất đáng ghi nhận: kinh tế tăng trưởng với tốc độ tương đối cao, vượt qua thời kỳ suy giảm về tốc độ tăng trưởng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; huy động vốn đầu tư đạt kết quả cao, tạo nguồn lực tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Giai đoạn 2011-2015, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam được thể hiện qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 với mục tiêu tổng quát là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu trên, theo các tác giả, Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành chức năng cần xem xét những vấn đề sau: một là, kết cấu hạ tầng yếu kém đe dọa tăng trưởng kinh tế Việt Nam; hai là, một trong những quan ngại đối với các nhà đầu tư vào Việt Nam là vấn đề tỷ giá; ba là, môi trường đầu tư của Việt Nam không chỉ hạn chế về hạ tầng kỹ thuật, về chính sách vĩ mô mà còn hạn chế ngay cả thủ tục hành chính; bốn là, yếu kém về năng suất lao động, về công nghệ, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh…
Trong giai đoạn 2011-2020, những định hướng lớn trong phát triển nền kinh tế nước ta được xác định gồm: tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô theo tinh thần Đại hội XI của Đảng; cấu trúc lại nền kinh tế Việt Nam; chuyển đổi tư duy về mô hình kinh tế; nâng cao giá trị gia tăng; giải quyết vấn đề nợ công; phát triển bền vững hệ thống ngân hàng…
Giao Linh