Khách hàng cũng là con người, có nhu cầu được quan tâm, chăm sóc và yêu thương, có nhu cầu được giao lưu và giúp đỡ. Vì vậy, bạn cần dùng một trái tim thực lòng để đối đãi với khách hàng, phục vụ khách hàng như đang đối xử với "người yêu" - một cách chân thành, ân cần, chu đáo.
"Thanh niên nam nữ hiện đại có lối suy nghĩ tương đối thoáng, nên kiểu thầm yêu trộm nhớ đã trở nên lỗi thời. Tình yêu cần sự thể hiện, cần được nói lên bằng lời để đối phương có thể cảm nhận được sự chân thành của bạn. Trong kinh doanh, "yêu" là thuật ngữ chỉ thái độ phục vụ chân thành đối với khách hàng. Nên nói cái gì, nói với ai và nói như thế nào?
Trước tiên, để nói lời yêu với khách hàng, nhân viên kinh doanh nên đứng trên góc độ tình cảm con người, hãy giải thích thật rõ ràng về sản phẩm mà khách hàng quan tâm. Có thể bắt đầu từ những phương diện khách hàng đặc biệt chú ý như: bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, không hại sức khỏe, có lợi cho trí não, chống nấm mốc, giữ ấm v.v... Ngoài những nội dung liên quan trực tiếp đến sản phẩm, bạn có thể nói về những vấn đề mà công ty và bản thân mình quan tâm, như nếu mua sản phẩm của công ty sẽ nhận được ưu đãi sửa chữa và làm sạch sản phẩm suốt đời, bảo dưỡng có định kỳ sản phẩm và còn có thể tư vấn về sản phẩm cho khách hàng, giải đáp thắc mắc và những khó khăn mà khách hàng gặp phải.
Tiếp đó, lời yêu của bạn cũng cần phải được nói với các đối thủ cạnh tranh. Cũng giống như trong tình yêu, nếu bạn không nói cho các đối thủ cao tay biết, có thể họ vẫn sẽ ôm mộng tưởng tán tỉnh người của bạn. Nhưng nếu bạn cho các đối thủ cạnh tranh thấy người ấy yêu bạn thế nào thì sẽ có tác dụng cảnh báo và hù dọa, khiến các đối thủ biết đường rút lui.
Một câu chuyện có thật thế này, có một kỹ sư khoảng gần 50 tuổi yêu say đắm một cô nàng kém mình gần 30 tuổi. Ngày nào vị kỹ sư cũng viết cho cô gái một bức thư tình, cô gái thấy tuổi người này ngang tuổi bố mình nên nghĩ khó có thể đến được với nhau. Nhưng mỗi khi cô gái hẹn hò ai đó, vị kỹ sư đều khéo léo tìm cách nói chuyện với anh chàng kia, nói rằng bản thân mình yêu cô gái đến thế nào, ngày nào cũng viết thư cho cô. Ông ta hỏi chàng trai: "Cậu có thể yêu cô ấy như tôi không?" Chàng trai trả lời không. Cứ thế, hết chàng trai này đến chàng trai khác đều nản lòng mà từ bỏ ý định theo đuổi cô gái. Thấm thoắt mấy năm trôi qua, cô gái vẫn chưa có mối tình nào và cô đến tòa án kiện vị kỹ sư vì đã xâm phạm tự do cá nhân. Tòa án xử ông ta 15 ngày tạm giam. Vị kỹ sư nói với cô gái: "Hẹn gặp lại em sau 15 ngày!" 15 ngày sau khi ra khỏi trại giam, trên tay cầm bó hoa tươi, vị kỹ sư đến gõ cửa nhà cô gái. Lần này, cô gái đã rung động bởi sự chân thành và kiên trì của ông nên quyết định kết hôn với người đàn ông hơn mình gần 30 tuổi này.
Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy được lòng kiên nhẫn của vị kỹ sư có sức mạnh như thế nào, đồng thời cũng cảm nhận được việc kiên trì đàm phán với các đối thủ hiệu quả ra sao. Thực tế, cô gái ấy không thể đến với ai được nữa nên chỉ còn cách nhận lời cầu hôn của con người ngoan cố kia, các chàng trai đã vội nản lòng trước khó khăn mà bỏ cuộc và đi kiếm tìm đối tượng khác. Trong kinh doanh, chúng ta cũng có thể áp dụng phương pháp của vị kỹ sư này, một mặt khiến khách hàng cảm động, một mặt tuyên truyền mối quan hệ của mình với khách hàng đã thân thiết đến mức độ nào, từ đó có thể đẩy lùi các đối thủ cạnh tranh, giảm bớt phiền phức.
Đàm phán trong kinh doanh cũng giống như tình yêu vậy, thuyết phục khách hàng, đẩy lui đối thủ, khả năng thuyết phục là nhân tố hàng đầu quyết định thành công. Việc nắm rõ các nguyên tắc "yêu nồng nàn" sẽ tác dụng tích cực đến thành công của bạn."
Về tác giả: Quốc Dũ Minh sinh năm 1971, tốt nghiệp Học viện giáo dục Từ Châu, Giang Tô, từng giữ các chức vụ kỹ sư, công trình sư của đơn vị doanh nghiệp nhà nước, giám sát thiết kế cho công ty trang trí nội thất, giám đốc dự án, tổng giám đốc...
Tác giả đã từng cố vấn cho các doanh nghiệp: Công ty công nghệ tia cực tím Tân Nhuệ - Thanh Hoa - Bắc Kinh, Tập đoàn công nghiệp hoá chất Ái Nhĩ Tư Mẫu Bắc Kinh, tập đoàn xây dựng khai thác kỹ thuật bậc trung Bắc Kinh, nhà máy rượu Linh Chi - Trùng Khánh, tập đoàn bất động sản Phượng Gia - Hà Bắc, tập đoàn bột mì Ngũ Đắc Lực, tập đoàn may mặc Đệ Điển - Hà Bắc, tổng công ty thiết kế thời trang Anh Lợi- Hà Bắc.