Tác giả: TS. Phạm Thu Hương
Số trang: 252
Giá tiền: 43.000 đồng
Sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, đã tác động đến mọi hoạt động của đời sống, kinh tế - xã hội, làm thay đổi nhận thức và phương thức sản xuất kinh doanh của nhiều lĩnh vực, nhiều ngành kinh tế khác nhau, trong đó có lĩnh vực ngân hàng.
Phát triển các dịch vụ ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin là xu hướng tất yếu, mang tính khách quan trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Để nâng cao năng lực cạnh tranh trước sức ép từ phía các ngân hàng nước ngoài với những sản phẩm, dịch vụ hiện đại, các ngân hàng thương mại Việt Nam buộc phải tiến hành hiện đại hóa ngân hàng, không những hoàn thiện những nghiệp vụ truyền thống mà còn tập trung phát triển các ứng dụng ngân hàng hiện đại trong đó có dịch vụ ngân hàng điện tử. Dịch vụ ngân hàng điện tử xuất hiện ở Việt Nam từ đầu những năm 1990 với sự xuất hiện của 4 chiếc máy ATM của Ngân hàng Ngoại thương và ANZ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 bao gồm 14 dự án và đề án, trong đó có Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Mặc dù nhận được sự quan tâm, đầu tư không nhỏ từ phía các ngân hàng nhưng đến nay dịch vụ ngân hàng điện tử ở Việt Nam mới chỉ dừng ở những tiện ích giản đơn, tính bảo mật chưa cao, lỗi hệ thống vẫn liên tục xảy ra... Điều đó đã hạn chế sự tiếp nhận dịch vụ ngân hàng điện tử từ phía khách hàng cá nhân cũng như doanh nghiệp.
Nhằm phân tích thực trạng, những nhân tố tác động, ảnh hưởng tới dịch vụ ngân hàng điện tử tại Việt Nam hiện nay, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử tại Việt Nam của TS. Phạm Thu Hương. Cuốn sách gồm 3 chương:
Chương I: Những vấn đề lý luận về phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử trong hội nhập kinh tế quốc tế
Chương II: Thực trạng phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử tại Việt Nam hiện nay
Chương III: Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử tại Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế
Đây là vấn đề mới, chưa được nghiên cứu chuyên sâu cũng như tổng thể tại Việt Nam, do vậy cuốn sách khó tránh khỏi những hạn chế, rất mong nhận được sự đóng góp của bạn đọc để hoàn thiện hơn.