Trước kia, chữ Hán mà người Việt Nam chúng ta tiếp xúc là chữ Hán phồn thể. Mấy năm gần đây, chữ Hán giản thể đã phổ biến khá rộng rãi ở nước ta. Ngoài việc học nói tiếng Hoa, người ta còn học đọc, học viết chữ Hán. Đọc chữ Hán là đọc theo âm pinyin, tức là đọc theo giọng Phổ thông ở Trung Quốc, đồng thời cũng là đọc theo phiên âm Hán Việt, nhưng điều khó khăn nhất có lẽ là tập viết chữ Hán. Tuy chữ Hán giản thể có cấu tạo đơn giản hơn chữ Hán phồn thể, nhưng không phải vì thế mà dễ viết hơn. Điều dễ thấy nhất là chữ Hán dù giản thể hay phồn thể cũng đều nằm trọn trong một ô vuông. Vì thế người học phải nắm được bố cục các nét thế nào để phân bố một cách hợp lý và giàu tính thẩm mỹ. Một điều cũng rất quan trọng khi viết chữ Hán là phải tuân theo một quy luật là viết nét nào trước, nét nào sau, quy luật này đước gọi là luật “thuận bút”, nếu không tuân theo quy luật này, chữ viết ra tự nhiên không được thẩm mỹ.
Đối với bạn đọc đã quen với chữ Hán phồn thể, xin lưu ý là cuốn tự điển này có thể tra theo bộ (tức bộ thủ), nhưng bộ trong chữ Hán giản thể có một số khác biệt với bộ trong chừ Hán phồn thể, xin xem kỹ phần Phụ lục “Bảng Bộ thủ”.
Để góp phần cho việc nghiên cứu, học tập chữ Hán, cuốn tự điển này được xuất bản nhằm giúp các bạn tập viết chữ Hán giản thể theo đúng bố cục chữ và luật thuận bút, tạo hứng thú trong khi học chữ Hán, hay xa hơn nữa có thể làm nền tảng cho các bạn trong nghệ thuật thư pháp chữ Hán.