Khái niệm mới, tự bản thân nó đã bao hàm tính lịch sử nhất định, tức là mới so với thời điểm nào và mới so với cái gì. Ở đây, các tác giả xác định khái niệm mới tính theo mốc thời gian từ 1985 đến 2000 và lấy ngôn ngữ văn hóa (ngôn ngữ toàn dân) làm chuẩn để so sánh. Theo các tác giả, những từ ngữ, những nghĩa mới có hoặc những từ ngữ, những nghĩa cũ được dùng lại đều được coi là từ ngữ mới, nghĩa mới. Với quan điểm như vậy, cuốn "Từ Điển Từ Mới Tiếng Việt" này thu thập và giải nghĩa những từ ngữ, những nghĩa mới trong tiếng Việt khoảng từ năm 1985 đến năm 2000.
Cuốn Từ điển này bao gồm khoảng 2500 đơn vị đầu mục (trong đó có 700 đơn vị chưa từng xuất hiện trong những cuốn từ điển giải thích có uy tín nhất trong thế kỷ XX), được biên soạn dựa trên hơn 45 000 ngữ cảnh được thu thập từ hàng vạn trang sách, báo xuất bản trên cả nước. Mỗi mục từ được cung cấp các thông tin: Nguồn gốc (nếu là từ vay mượn) Cách đọc (trong trường hợp cần thiết) Từ loại Chú giải về phạm vi sử dụng, khả năng kết hợp (nếu cần) Định nghĩa (tương đối chi tiết, cụ thể) Ví dụ.
Đây là cuốn Từ điển từ mới đầu tiên ở Việt Nam, do nhóm các tác giả hiện đang làm việc tại Phòng Từ điển học thuộc Viện ngôn ngữ học biên soạn, gồm có: TS. Chu Bích Thu (chủ biên), PGS, TS. Nguyễn Ngọc Trâm, TS. Nguyễn Thúy Khanh, TS. Nguyễn Thanh Nga, TS. Phạm Hùng Việt...