Đất nước Việt Nam tươi đẹp, dáng hình chữ S nằm bên bờ Biển Đông của chúng ta, từ ngàn xưa đã là đối tượng phản ánh trong nhiều tác phẩm văn hóa của các tác giả trong và ngoài nước. Bên cạnh vô vàn tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa... được sáng tác dựa trên nền cảm xúc, còn có rất nhiều tác phẩm được ra đời trên nền nhận thức lý tính, khoa học. Những tác giả này đã dựa trên quan sát thực tế, khoa học để mô tả lại hình sông, thế núi, thiên nhiên kỳ thú cùng mọi mặt xã hội của những con người sống trên đó.
Thời kỳ phong kiến, giới trí thức đã để lại nhiều văn phẩm rất có giá trị, trong đó nổi bật là các tác phẩm Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, mà ngày nay được coi là bộ bách khoa thư đầu tiên của Việt Nam, Dư địa chí của Nguyễn Trãi, vv. Thời kỳ trước và trong giai đoạn bị Pháp đô hộ, nhiều người, nhất là người nước ngoài đã chú ý nghiên cứu, để lại những ghi chép, nhưng không mang tính tổng hợp, phần nhiều nhằm phục vụ mục đích của họ là truyền giáo và thôn tính.
Từ sau khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, giới khoa học đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm nghiên cứu về đất nước, con người Việt Nam. Ngành Việt Nam học được hình thành và phát triển mạnh mẽ. Đến nay, có thể kể ra rất nhiều tác phẩm khoa học nghiên cứu từng mặt, từng mảng chuyên sâu về Việt Nam: Lịch sử, Địa lý, Sinh vật, Dân cư, Hành chính, Quân sự, Nhân vật, vv. Bên cạnh đó, hầu hết các tỉnh, thành phố, một số là huyện, quận đã biên soạn lịch sử đảng bộ, địa chí tỉnh, thành phố, huyện, thậm chí đã có địa chí xã. Nhìn tổng thể các tác phẩm thời kỳ này thấy tính chuyên sâu là chủ đạo, tính tổng hợp, toàn diện đã có nhưng chủ yếu mới dừng lại ở phạm vi địa phương.
Năm 2005, Từ điển bách khoa Việt Nam được xuất bản trọn bộ. Đây là bộ từ điển bách khoa tổng hợp, cỡ trung bình. Mục đích của từ điển được nêu rõ trong Lời nói đầu là “giới thiệu những tri thức cơ bản nhất về đất nước con người, lịch sử, xã hội, văn hóa, khoa học, công nghệ Việt Nam xưa và nay; giới thiệu những tri thức văn hóa, khoa học kỹ thuật của thế giới”. Nội dung của từ điển theo đó có hai phần: phần tri thức về Việt Nam và phần tri thức chung thế giới. So với những ấn phẩm khác của thời hiện đại, nội dung viết về đất nước con người Việt Nam trong bộ từ điển 4 tập này là mang tính tổng hợp hơn. Nhưng do mục đích biên soạn không chỉ chuyên viết về Việt Nam, nên số lượng mục từ về Việt Nam còn hạn chế và nội dung các mục từ mới chỉ dừng ở những tri thức cơ bản nhất.