Thư pháp là một bộ môn nghệ thuật cổ truyền được nhiều người yêu thích. Nước ta trong hơn 2000 năm là nước học Hán học có nhiều cụ văn hay chữ tốt, nhiều cụ là những nhà thư pháp lừng tiếng. Nay trong các đền thờ, đình chùa, trong các tư gia... vẫn còn giữ lại những bức chữ thảo rất đẹp. Đúng vậy, chữ thảo có cái đẹp của hồn người, thể hiện nội tâm, thể hiện những khát vọng vươn đến thế giới của sự cao nhã, hài hòa, cuồng phóng, khí phách. Nó là một mảnh riêng của hội họa; nhiều khi nó đi cùng hội họa để bổ sung cho không gian nghệ thuật của bức tranh; và đó là cái độc đáo của nghệ thuật phương Đông cổ truyền.
Những người Việt yêu chữ thảo, viết chữ thảo, tra cứu chữ thảo... rất cần có trong tay một cuốn sách do người Việt làm, chú giải, hướng dẫn bằng tiếng Việt. Cuốn Tự điển Thư Pháp này đáp ứng yêu cầu đó. Ngoài phần giới thiệu chung về bộ môn thư pháp bao gồm cả những thao tác thực hành cụ thể, phần Tự điển của cuốn sách bao gồm bốn thể: Chính, Thảo, Lệ, Triện với các cách viết của các thư pháp gia các đời.
Học chữ Hán, viết chữ Hán, viết chữ thảo... để nối mạng lại với ông cha với phương Đông, nối mạng lại với nền văn minh đầy tính nhân văn mấy nghìn năm là vô cùng quí báu và gần gũi. Đọc và thưởng thức một câu thơ Đường, một câu thơ chữ Hán... rồi sáng tác hay thưởng thức một bức chữ thảo, là tiếp cận với cả một nền văn hóa lớn có khả năng vô tận trong việc làm đẹp, làm phong phú tâm hồn con người.