Anh không phải là người sống cùng thời với chị Sáu. Khi anh ra Côn Đảo vào năm 1962 thì chị Sáu đã hy sinh hơn mười năm rồi. Anh chỉ được một may mắn nhỏ là trong mười ba năm bị lưu đày ở Côn Đảo, anh đã đến ở chỗ chị Sáu ở trước kia, anh đã đến viếng nấm mộ đất vàng của chị, anh được nhiều người thuộc nhiều giới khác nhau trên Côn Đảo kể cho nghe về chị.
Năm 1966, anh bị giặc nhốt vào hầm đá 3 (banh 2 cũ), đúng vào ca-sô(1) 10. Ở vách đã ngay trên đầu ngách cửa, anh đã đọc thấy một dòng chữ lờ mờ khắc bằng đinh:
NGUYỄN THỊ SÁU tức VÕ THỊ SÁU – 1952
Có lẽ đó là chữ chị Sáu đã ghi lại trong đêm cuối cùng ở Côn Đảo. Nhưng trong ngày giải phóng, anh có tìm đến nơi này, thì “ca-sô” 10 đã được quét vôi, tô xi-măng nhiều lần nên không còn thấy gì nữa.
Nấm mồ của chị Sáu được anh em tù chăm sóc, bảo vệ cẩn thận. Dù giặc cấm đoán, dù giặc đã san bằng nhiều lần hòng xoá bỏ uy thế cách mạng, mộ chị vẫn tròn đầy, những tảng đá xanh vẫn nêm chặt xung quanh để làm dấu, những chòm hoa “tứ thời”, hoa dừa, hoa “mười giờ”... vẫn được trồng lên, khoe sắc ngát hương. Một tấm bia bí mật, chôn bên cạnh mộ chị, khắc chữ thường:
Võ Thị Sáu - nữ anh hùng Đất Đỏ, Bà Rịa, sinh 1935, hy sinh tại Côn Đảo ngày 23/12/1952
Ngày giải phóng, trước khi lên tàu về lại đất liền Tổ quốc, anh đã cùng một số đồng chí khác ra Hàng Dương viếng mộ chị mà anh em tù cũ đã xây lại với tất cả tình yêu thương, kính trọng. Các anh đã hát bài “Biết ơn Võ Thị Sáu” và bài “Chiến sĩ Việt Nam” để tưởng niệm người nữ đồng chí anh hùng. Các em có biết không? “Bao chiến sĩ anh hùng...” đã trở thành điệu kèn xông trận mỗi lần tù nhân Côn Đảo phát động đấu tranh.
Tháng 8-1975, anh có dịp được trở ra Côn Đảo. Anh lại đến Hàng Dương viếng mộ chị Sáu. Quang cảnh đã thay đổi nhiều. Nay là “Nghĩa trang liệt sĩ” với những bóng dương xanh mát đang reo hát vi vu trong gió biển độc lập tự do của Tổ quốc toàn thắng.
Trên tấm bia đá lớn với những hàng chữ đỏ chói ghi tên tuổi chị Sáu, các đồng chí trên đảo đã gắn lênmột ngôi sao đỏ gọi là “Sao Chiến Thắng” mà mỗi tù nhân được giải phóng vẫn tự hào đeo trên ngực. Cũng như bia mộ chị Sáu, tất cả mọi tấm bia mộ tù khác đều có mỗi cái một ngôi sao đỏ tươi màu.
Chị Sáu hy sinh từ năm 1952, nhưng hình ảnh người con gái miền Đất Đỏ kiên trung vẫn còn sống mãi. Trong kháng chiến chống Mỹ, lớp người trẻ tuổi bất khuất trước kẻxthù đã xông lên khắp nơi. Họ hi sinh tất cả để dành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Họ công tác không ngừng, họ học tập không ngừng để công tác ngày một tốt hơn. Họ đã làm như chị Sáu, họ chính là hiện thân của chị Võ Thị Sáu.
Và anh đã quỳ xuống, ấp ngôi sao đỏ trên mộ chị vào trái tim mình. Hôm nay anh gởi đến các em những tình cảm chân thành ấy.
Thân mến Lê Quang Vịnh (2)
(1): Ca-sô: Hầm kín và chật chội.
(2): Lê Quang Vịnh, Nguyên uỷ viên thường trực Hội liên hiệp Sinh viên Học sinh Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn (trong kháng chiến chống Mỹ).