Như nhiều bằng chứng khảo cổ học những năm cuối thế kỷ XX cho thấy, cờ Vua đã tồn tại và phát triển cùng với loài người trong suốt gần hai nghìn năm qua. Trải qua bao biến động thăng trầm của lịch sử, cờ Vua vẫn có mặt trong cuộc sống như một trò chơi không thể thiếu được của con người. Vậy điều gì khiến cờ Vua hấp dẫn chúng ta đến như vậy?
Trước tiên, cờ Vua tạo cơ hội cho con người thi đấu sáng tạo. Đó là hình thức nghỉ ngơi tích cực đầy tính văn hóa, là thế giới của những trăn trở và cảm nhận. Mỗi con người, ai cũng có thể tìm thấy điều gì đó ở trong cờ, rất riêng cho mình.
Tương tự như các môn thể thao khác, cuộc thi đấu cờ Vua cho phép con người thử sức mình. Ai hiểu biết nhiều hơn, chuyên cần hơn, tỉnh táo hơn, sáng tạo hơn... sẽ là người chiến thắng. Những ván cờ đẹp mắt, kết cục cờ tàn xoay chuyển bất ngờ có thể tạo ra cho chúng ta sự thỏa mãn cao độ về tinh thần, cũng như khi chúng ta thưởng thức một bài hát hay, hoặc diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên trong vở kịch.
Các bài học cờ giúp phát triển nhiều khả năng trí tuệ của con người, rèn luyện trí nhớ, hình thành và hoàn thiện những cá tính mạnh mẽ như ý chí dành chiến thắng, tính quyết đoán, sự minh mẫn, kiên trì, dẻo dai, nhẫn nại, khéo léo, tập trung, tính kỷ luật trong tư duy, lòng cao thượng, danh dự, lòng dũng cảm, khả năng mạo hiểm... và cuối cùng là kỹ năng đọc sách. Nhà sư phạm Xô viết lỗi lạc V.Sukhomlinsky đã từng viết: “...Khó có thể hình dung quá trình hoàn thiện các khả năng trí óc và trí nhớ của trẻ nếu thiếu cờ... Cờ Vua cần phải đi vào cuộc sống ngay từ bậc tiểu học như một trong những nhân tố văn hóa trí tuệ”.
Cờ Vua – Những bài học đầu tiên là tập sách mở màn cho một bộ gồm 9 cuốn sách mà tác giả tham vọng có thể xem chúng như “chương trình tổng thể” cung cấp kiến thức cờ cho những người chơi cờ (đặc biệt là các em học sinh từ 6 đến 7 tuổi trở lên) có trình độ từ chưa biết chơi đến trình độ tương đương kiện tướng quốc gia. Lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam sau 25 năm phát triển môn cờ Vua nước nhà, tác giả hy vọng rằng bộ sách thực sự sẽ góp phần hỗ trợ và thúc đẩy quá trình phát hiện, bồi dưỡng các tài năng cờ Vua trẻ cho đất nước.
Vậy cần sử dụng sách như thế nào? Điều kiện đầu tiên là đọc sách phải luôn luôn đi kèm với việc bày và phân tích lại tất cả các ví dụ đã cho trên bàn cờ. Thứ hai, mỗi bài học, bài nối tiếp bài, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, không vội vàng. Nếu có điều gì đó khó hiểu, hãy cố gắng đọc lại các bài học một cách kỹ lưỡng hơn. Không nên đọc “dồn dập” quá mức 2 giờ một ngày: Nghiên cứu đều đặn, chắc chắn, tuần tự mỗi ngày một ít sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều. Từ những bài học đầu tiên, hãy dành thích đáng thời gian cho việc nghiên cứu bàn cờ. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình lĩnh hội kiến thức ở các bài học tiếp theo và nhanh chóng hình thành, nâng cao kỹ nanưg tính toán phương án sau này. Điều kiện tiên quyết để thành công trong cờ là kỹ năng tự làm việc, được thể hiện thông qua việc tự giải quyết các bài tập đã cho trong mỗi phần “bài tập thực hành”. Về nguyên tắc, tốt nhất nên giải tất cả các bài tập thẳng trên hình vẽ mà không bày thế cờ trên bàn cờ và ghi lời giải nhận được vào ngày phía dưới mỗi thế cờ.
Một số phần kiến thức cơ bản có độ khó quá cao so với giai đoạn hiện tại, tác giả chủ động chuyển sang các tập sách sau (chẳng hạn như “chiếu mat Vua đơn độc bằng Tượng + Mã”). Mục tiêu căn bản của cuốn sách này là cung cấp kiến thức cờ Vua ban đầu cho quãng thời gian nghiên cứu từ 3 đến 6 tháng. Cuốn sách chắc chắn sẽ giúp ích cho các bạn yêu cờ sống xa các thành phố và trung tâm lớn, không có nhiều điều kiện tiếp xúc với tài liệu cờ cũng như không thể thường xuyên tham khảo kiến thức từ các huấn luyện viên cờ.
Rất nhiều ví dụ trong cuốn sách được lấy từ ván đấu thực tế của các vận động viên cờ cấp thấp, là điều kiện tốt cho người nghiên cứu tự so sánh và đánh giá trình độ của bản thân.
Nên đọc sách và giải quyết các bài tập t rong sách theo từng nhóm nhỏ, ít nhất 2 người nếu điều kiện cho phép. Hãy thi đấu nhiều và cố gắng vận dụng những gì tiếp thu được trong sách vào chính các ván đấu của mình. Bằng cách này, bạn sẽ hoàn thiện trình độ của mình nhanh hơn. Cuốn sách được xây dựng dưới dạng các bài học rất gần với chương trình huấn luyện cờ tại các Cung thiếu nhi, Nhà văn hóa, các đội tuyển cờ. Sách còn có thể là tài liệu tham khảo có ích cho các huấn luyện viên, các nhà sư phạm, giáo viên dạy cờ tại các trường phổ thông và cả các bậc phụ huynh mong muốn con cái của mình được học chơi cờ.
Các huấn luyện viên có thể chọn ra từ mỗi bài học trong cuốn sách này một số ví dụ cần thiền cho bài giảng. Tuy nhiên, phần lớn bài tập còn lại nên giao cho vận động viên về nhà tự giải. Điều này nhanh chóng thúc đẩy quá trình hình thành kỹ năng tự nghiên cứu, nhân tố quan trọng trên bước đường phát triển và hoàn thiện trình độ của vận động viên cờ Vua trong tương lai. Cuối cùng, tôi muốn nhắn nhủ cùng các huấn luyện viên, các bậc cha mẹ dạy cờ cho các em nhỏ trước tuổi đến trường: Hãy cho các em thi đấy nhiều, kể cả khi giảng phần lý thuyết. Và luôn nhớ rằng: Trẻ em thích chơi cờ! Đừng làm cho mỗi bài học cờ trở nên buồn tẻ!
Lương Trọng Minh
Vài nét về tác giả: - Lương Trọng Minh là người Việt Nam đầu tiên được Liên đoàn Cờ Vua Thế giới (FIDE) chính thức công nhanạ là Huấn luyện viên đẳng cấp quốc tế (FIDE trainer), học vị cao nhất trong hệ thống của FIDE. - Ông là một trong ba trọng tài cờ Vua Việt Nam được FIDE công nhận là trọng tài quốc tế. - Hơn 20 năm làm công tác huấn luyện cờ vua ở các cấp độ, ông đã từng tham gia huấn luyện Đội tuyển Hà Nội, Đội tuyển trẻ Quốc gia, Đội tuyển trẻ Singapore, Học viện Cờ Vua Đông Nam Á. - Ông đã góp công đào tạo nhiều vận động viên xuất sắc đạt đẳng cấp Đại Kiện tướng và Kiện tướng Quốc tế, đoạt nhiều huy chương tại các giải vô địch quốc gia, châu lục và thế giới. - Ông còn dành nhiều thời gian, tâm huyết để biên soạn những bộ sách đồ sộ cho làng cờ Vua Việt Nam: Học chơi cờ Vua xuất bản năm 1988, Cờ Vua (9 tập) xuất bản năm 2008-2009, Cờ tàn (5 tập) xuất bản 2008-2009.