Tóm tắt nội dung:
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đề tài lớn trong văn học nghệ thuật. Đã có nhiều tác phẩm viết về Người, ở trong nước cũng như trên thế giới, bao gồm tất cả các thể loại: Thơ, tiểu thuyết, ca khúc, kịch, hội họa, điêu khắc, điện ảnh, bút ký, hồi ký… Trong đó, có không ít tác phẩm đã đi vào cõi bất tử, cũng như cuộc đời và sự nghiệp của Người.
Đối với thiếu nhi ta, Bác Hồ như một ông Tiên, lại vô cùng gần gũi và thân thiết. Vì thế, làm được điều gì tốt, các em cũng viết thư, khoe với Bác Hồ. Thậm chí có em bị bố mẹ mắng oan, cũng lại viết thư mách Bác.
Ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, có rất nhiều bức thư như thế.
Cuốn sách mà các em đang có trong tay đây, là “tấm lòng chúng em” đối với Bác Hồ. Cuốn sách tập hợp những tác phẩm của các em thiếu nhi viết về Bác. Tập sách này ra đời lần đầu tiên ở Nhà xuất bản Kim Đồng, cách đây đã gần nửa thế kỷ.
Tôi vẫn còn nhớ ấn tượng khi lần đầu được đọc TẤM LÒNG CHÚNG EM.
Đó là một buổi chiều cuối đông năm 1964, khi ấy, tôi đang còn là một cậu học trò lớp một. Không biết do phép lạ nào đó mà tình cờ tôi có được cuốn sách này. Cuốn sách cuốn hút tôi rất mãnh liệt, đặc biệt là đội ngũ tác giả. Các bạn đều là thiếu nhi cùng trang lứa với mình, mà sao viết hay thế, viết xúc động thế.
Các bạn viết được thì chắc mình cũng viết được. Tôi nghĩ thế. Và ít lâu sau, tôi bắt đầu bập bẹ những câu thơ đầu tiên trong đời mình. Đối với riêng tôi, TẤM LÒNG CHÚNG EM là cuốn sách thiêng. Nó là khởi nguồn cho quãng đời văn học của tôi. Không có cuốn sách này, chắc chắn sẽ không có thơ tôi.
Bây giờ, sau gần nửa thế kỷ, cuốn sách một lần nữa được in lại, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bác Hồ. Tất nhiên, trong những lần tái bản sau này, bên cạnh những tác phẩm xưa, cùng với những bức tranh minh họa thời ấy, nhà xuất bản còn bổ sung thêm những tác phẩm của thiếu nhi thuộc các thế hệ sau, đặc biệt là những sáng tác của các em sau khi Bác qua đời. Có lẽ cũng vì thế, mà thế hệ sau, những nhà thơ nhí: Cẩm Thơ, Nguyễn Hồng Kiên, Châu La Việt, Trần Đăng Khoa… đã được ngồi “chung chiếu” với các bậc… tiền bối nhí.
Hy vọng cuốn sách này sẽ trở thành người bạn đường chân thành của các em. Tất nhiên, bây giờ, ở một thời đại khác, trong một tâm thế khác, với các em chắc cũng sẽ có những cảm giác khi tiếp xúc với “anh bạn” đến từ… thế kỷ trước. Còn tôi, gặp lại cố nhân, tôi như trở lại thời thơ ấu. Một thoáng se lạnh chiều đông. Tấm áo bạc chằng chịt những mảnh vá và nhoe nhoét mực xanh, mực tím. Tiếng bom rùng phía thành phố xa. Căn hầm trú ẩn ngập nước sau trận mưa trái mùa. Những tiếng khóc trong veo và buốt nhói của các bạn thiếu nhi trên quảng trường Ba Đình ngập nước mắt trong ngày cả nước đau thương tiễn Bác đi…
Cả một kho kỷ niệm vừa thức dậy. Tôi rất cảm động khi đọc cuốn sách. Đọc cả những gì ở đằng sau cuốn sách. Bởi thế, đối với tôi, cuốn sách này vẫn rất thiêng liêng.
Và biết đâu đấy, ở một ngôi làng xa heo hút nào đó, lại có một anh bạn nhỏ nào đó, cũng lại bâng khuâng ám ảnh vì cuốn sách này. Rồi những câu thơ, những trang văn xuất thần vụt hiện. Đấy là những áng văn mà đến cả trong mơ tôi cũng không dám ao ước.
Cuộc sống vốn rất tốt đẹp, nên nhiều điều kỳ diệu vẫn luôn xảy ra. Điều ấy cho chúng ta đức tin và cả niềm vui được phấp phỏng chờ đợi. Có phải thế không các em?
Trần Đăng Khoa