Sau thành công của cuốn sách Chuyện lạ Thảo Cầm viên, tác giả Phan Việt Lâm cho ra mắt cuốn sách Thực vật Thảo Cầm viên - Những bí mật lạ lùng tiết lộ những bí mật xung quanh Thảo Cầm viên Sài Gòn.
Cũng như ở tác phẩm viết về động vật, trong tác phẩm mới của mình, tác giả đã khéo léo sử dụng thủ pháp nhân hóa độc đáo để miêu tả về những thực vật ở Thảo Cầm viên. Mỗi thân cây lại có một cuộc đời riêng và qua ngòi bút của tác giả, cuộc sống của chúng trở nên sống động như cuộc đời của mỗi con người. Đó có thể là cuộc đời chìm nổi của cây mét, cây nằm bên cạnh Viện Bảo tàng lịch sử mà ai bước vào Thảo Cầm viên cũng có thể nhận thấy.
Qua lời kể về cuộc đời của cây, bạn đọc mới ngỡ ngàng khi biết rằng thực ra đó chỉ là phần còn lại của cây mét hùng vĩ ngày xưa vốn đã bị phá hủy sau một trận bão lớn hiếm hoi đánh vào TP. Rồi cây đầu lân mà chuyện ra quả là cả một công trình nay ít ai để ý do nằm khuất nẻo ở một góc công viên, cây trôm nằm giữa chuồng hà mã nổi tiếng, cây dứa gai được trồng không chỉ đẹp mà còn giúp ngăn khách tham quan xả rác vào chuồng trại…
Một điều khá lạ lùng là nếu ở cuốn đầu, động vật đã có cuộc đời riêng thì ở cuốn sách về thực vật vốn tưởng như vô tri lại được tác giả xây dựng với những yếu tố “người” còn hơn thế nữa. Đó là câu chuyện cây mét từng cao sang quyền quý nay sa cơ thất thế, cây cẩm lai mạnh mẽ chút nữa bị phá hủy chỉ vì một tiệm bán thức ăn, cây phượng cổ thụ bị chặt chỉ vì nhầm lẫn… Ấn tượng nhất có lẽ là câu chuyện về cây trôm.
Cây trôm ban đầu bị các cây dây leo phủ kín, tạo nên bức màn xanh rộng lớn, rậm rạp tựa như góc nhỏ trong một cánh rừng già nhiệt đới, khách tham quan nhìn nó có thể hình dung ngày xưa rừng nơi đây tươi tốt như thế nào. Thế rồi, do nhu cầu xây dựng, người ta cắt bỏ hết cây dây leo, cây trôm lại trở lại là cây trôm nhưng cảnh quan độc đáo lại không còn nữa.
Từ câu chuyện cây trôm, tác giả để lại một cái kết đáng để suy nghĩ: “Trôm đã trở lại là trôm với một cái bảng gắn trên thân có ghi công dụng là trồng để lấy bóng mát. Có những cái trở lại là chính mình nhưng không phải là mình nữa”.
Không chỉ làm mới, kể những câu chuyện độc đáo về động vật, thực vật ở Thảo Cầm viên, cả hai cuốn sách của tác giả còn mong muốn một điều lớn lao hơn. Tác giả Phan Việt Lâm khẳng định: “Muốn bảo vệ một cái gì thì người ta phải hiểu và yêu quý chúng. Thế nên tôi viết ra đây những mẩu đời và suy nghĩ của những cái cây tưởng chừng như câm lặng và nhẫn nhịn mãi”.