Thế kỷ XVII - XVIII được coi là thời kỳ hưng khởi của đô thị cổ Việt Nam. Thời kỳ này, nhiều đô thị Việt Nam xuất hiện và đạt được những thành tựu đáng kể. Hàng loạt các đô thị trở nên nổi tiếng, trong đó phải kể đến Thăng Long -Kẻ Chợ, Thanh Hà, Phố Hiến, Hội An... Nổi bật trong các đô thị kể trên là Hội An - đô thị thương cảng - một thời phát triển rực rỡ mà đến nay vẫn còn để lại nhiều dấu ấn qua văn hóa vật thể và phi vật thể, cho thấy sự cộng cư, hợp cư, giao lưu hỗn dung văn hóa giữa nhiều dân tộc, nhất ỉà văn hóa Việt - Hoa.
Thế giới biết đến Hội An chủ yếu vì nơi đây là một thương cảng, một đầu mối giao thương nổi tiếng thời cổ trung đại. Hội An không chỉ là trung tâm hội tụ hàng hóa các vùng miền mà còn là nơi tàu thuyền các nước phương Đông và phương Tây liên tục cập bến. Hàng hóa ở thương cảng này rất phong phú và đa dạng.
C. Borri, nhà truyền giáo người Ý đến Hội An thời gian này viết: "Chúa Đàng Trong không đóng cửa với bất cứ một quốc gia nào. Người để cho tự do và mở cửa cho tất người ngoại quốc, người Hà Lan cũng như những người khác cùng với tàu chở rất nhiều hàng hoá của họ...".
Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục cho biết: "Thuyền từ Sơn Nam về chỉ mua được một thứ củ nâu, thuyền từ Thuận Hóa về thì cũng chỉ có một thứ là hồ tiêu. Còn từ Quảng Nam (tức Hội An) thì hàng hóa không thứ gì không có". Hoạt động thương mại này hiệu quả đến nỗi “Chúa thu được lợi nhuận lớn trong việc buôn bán bằng thuế hàng hoá và thuế hải khẩu, cả nước đều kiếm được rất nhiều mối lợi không thể tả hết".
Có thể nói, sự phát triển giao thương của Hội An thời ấy là một hiện tượng chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam. Vì thế, tìm hiểu về Hội An không chỉ giúp người đọc hiểu biết thêm về một đô thị cổ mà còn thấy được sự khởi sắc của một nền thương nghiệp Việt Nam trong lịch sử cổ trung đại.cả