Tập sách này gồm những tiểu luận nghiên cứu về vấn đề đạo Công giáo của tác giả. Về cấu trúc, các bài viết có thể khu biệt trong bốn chủ đề như sau:
Thứ nhất, những tiếp cận lịch sử Công giáo Việt Nam. Hiện nay những công trình loại này đã xuất hiện nhiều và nhiều bộ sách đã có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Mảng viết thuộc chủ đề này được áp dụng theo lối “chấm phá” một số sự kiện lịch sử tôn giáo tiêu biểu, góp phần tìm hiểu thêm một số giai đoạn, những vấn đề quan trọng của nó.
Thứ hai, mảng viết có tiêu đề “Có một không gian Công giáo”, tác giả mượn thuật ngữ nghiên cứu ưespace catholique của GS. Claude Langlois, khi ông thuyết trình về lịch sử Công giáo Pháp tại Viện Nghiên cứu Tôn giáo năm 1997. Thuật ngữ nghiên cứu này với ông có ý nghĩa rất gợi, kích thích sự suy nghĩ của tác giả, đó là việc trước đó dường như ông chỉ lưu tâm đến lịch sử truyền giáo và những quan hệ chính trị, xã hội của nó. Còn bản thân cái “không gian Công giáo” ấy ở nước ta như thế nào thì chưa có ý thức hoặc điều kiện nghiên cứu. Claude Langlois có nói rằng, trong cái L'espace catholique, một cấu trúc xã hội - tôn giáo - con người được thể hiện một cách sống động, từ tổ chức Giáo hội, phẩm trật, đời sống tôn giáo đến nghi lễ, lễ hội... Những bài viết trong mảng này giúp cho bạn đọc ngoài Công giáo hiểu được “thế giới” Công giáo Việt Nam là thế nào, từ hình ảnh các Giáo phận, Giáo xứ đến việc học hỏi kinh bổn, văn hóa lẽ hội Công giáo...
Thứ ba, Công giáo - những nhân vật và sự kiện. Đúng như tên của nó, tác giả lựa chọn những nhân vật Công giáo tiêu biểu qua các giai đoạn lịch sử, đặc biệt là những nhân vật có những đóng góp nổi trội với dân tộc và văn hóa cũng như những sự kiện tôn giáo (le fait religieux) đáng chú ý với Công giáo. Lịch sử ngót 500 năm của Giáo hội Công giáo Việt Nam, với những nhân vật hấp dẫn, là nguồn đề tài phong phú cho bất cứ ai muốn để tâm nghiên cứu. Lẽ dĩ nhiên cũng có những nhân vật mà ít nhất trong vòng 20, 30 năm nay giới sử học, giới chính trị, giới nghiên cứu tôn giáo đã tranh luận, trao đổi nhưng vẫn chưa có thể có được tiếng nói đồng thuận cao nhất.
Thứ tư, với tiêu đề Công giáo Việt Nam hôm nay: Học thuyết, đường hướng, cuốn sách đề cập một số vấn đề cấp bách hiện nay với giới Công giáo, thuộc lĩnh vực nội bộ Giáo hội cũng như những lĩnh vực quan hệ Nhà nước - Giáo hội, Công giáo và Dân tộc, một chủ đề vốn đã quen thuộc lâu nay nhưng lại đang diễn ra với những chiều kích mới. Những chủ đề này rất lớn, có nhiều ý nghĩa chiến lược từ hai phía Đạo - Đời. Mảng viết này chỉ có thể nói lên suy nghĩ của người viết trước những vấn đề lớn đó, với mong muốn được góp phần mình tìm ra những “lôgic xã hội” cần thiết hôm nay, khi Giáo hội đang đứng trước thách đố, đòi hỏi sự biến đổi từ một “thiết chế đồng nhất” tới một “thiết chế phục vụ” (Institution de services, p.327, sđd) như những chữ dùng của bà D.H. Léger.