Mark P. Shea là một tác giả và đồng tác giả của nhiều tác phẩm, kể cả nhiều tác phẩm được xếp vào hàng bán chạy nhất (best seller) của The New York Times. Ông đã đoạt giải báo chí vì nhiều đóng góp cho nhiều tạp chí. Ngoài ra, ông còn là Trưởng Biên tập nội dung của CatholicExchange.com. Ông sinh sống tại Seattle, Washington với vợ và gia đình. DucMaria-MeChuaCon1.jpg Loạt sách ba bộ của ông biện giải các vấn đề về thần học Maria đã được chúng tôi giới thiêu qua qua bản dịch ba bài điểm sách phổ biến trên dunglac.org. Bộ I sẽ cho chúng ta các câu giải đáp về Đức Maria trong Kinh thánh, nhất là các thắc mắc thường có của anh em Tin lành với vấn đề Đức Maria mà nhiều người Công giáo chúng ta không thể trả lời rành rẽ. Bộ II bàn về một số tước hiệu và một số giáo điều về Đức Mẹ. Bộ III nói đến lòng sùng kính của Giáo hội với Thiên Chúa, Đức Maria và các thánh. Tóm lược chi tiết hơn đã được chính tác giả trình bày trong phần Dẫn nhập. Mark P. Shea có một lợi điểm mà các nhà thần học khác, cho dẫu có thể uyên bác hơn, không thể có được. Đó là, ông đã từng là một người ngoài Kitô giáo, rồi một người theo Giáo phái Evangelical, và rồi một người Công giáo. Do đó, ông hiểu được những gì anh em không phải Công giáo nghĩ và thắc mắc về Giáo thuyết Công giáo để có thể trả lời đúng vấn đề. Vì am hiểu như vậy, biện giải của ông không phải là câu trả lời của “người mù sờ voi” mà đi vào đúng các thắc mắc—thắc mắc mà chính ông đã từng băn khoăn trước và sau khi gia nhập Công giáo. Chúng tôi cố gắng dịch và phổ biến ba bộ sách này mà chúng tôi theo thiển ý cho là rất hữu ích cho chúng ta, người Công giáo, trong việc (1) hiểu thâm sâu hơn các tín điều và việc thờ phượng Thiên Chúa và tôn kính Đức Mẹ và các thánh của chúng ta; (2) biết được anh em ngoài Công giáo, nhất là anh em Tin lành nghĩ gì về chúng ta; và (3) có câu giải đáp các thắc mắc liên quan đến việc sủng kính Đức Mẹ và các thánh khi có người cần tìm hiểu. Một biện giải của tác giả mà tôi cho là sâu sắc là rằng “các người (Công đồng Giêrusalem) gặp nhau tại Giêrusalem đã không có một cuốn Kinh thánh—hoàn tất với Tân Ước” để làm nền tảng cho thần học Công giáo mà chỉ dựa vào giáo huấn của Đức Giêsu, “uy quyền tông đồ [Thánh Phêrô là đầu được Chúa giao phó trách nhiệm], và sự hướng dẫn của Chúa Linh” (Ch. 5; Công vụ 15 chiếu chậm).