Tác phẩm
Này tình đầu ngọt ngào, sao mi đắng thế?
Rồi ta sẽ buột miệng hỏi tình đầu như vậy - sau khi đọc cuốn sách này!
Tựa sách cứ... thẳng tưng, Eleanor & Park: Eleanor - một con bé tóc đỏ bông xù, to uỵch đang sống cùng người mẹ đẹp tựa thiên thần, lão dượng xấu xa như bóng đêm và lũ em lít nhít giống chuột; Park - một cậu trai có bố là dân Mỹ “gộc”, có mẹ là Hàn kiều, luôn cảm thấy bố không tự hào về mình và thấy lạc lõng trong khu phố Mỹ.
Hai đứa trẻ cô độc tình cờ bị (hay là “được” đây?) số phận “quẳng” vào nhau trên chuyến xe bus đến trường. Eleanor - trong vai con hề ăn mặc đắp điếm phát ớn - lập tức nhận ra nếu có điều gì mà đám bạn muốn trao cho nó thì chính là châm chọc, mỉa mai chứ đâu phải một chỗ ngồi! Bấy giờ, Park - trong vai kẻ lánh đời - đang cố tăng âm lượng Walkman hết cỡ để đỡ phải can hệ với “ma mới”. Tuy lý trí đe nạt: xin kiếu, cậu chưa đủ rắc rối sao?, nhưng trái tim Park đã kịp trông thấy Eleanor sắp khóc. Cậu dích mông vào trong, bảo nó: “Ngồi xuống đi”. Vậy là... hai đứa “bập” vào nhau.
Khoảng cách mười bốn xăng ti mét trên xe bus hẹp dần, ban đầu chỉ là cùng đọc truyện tranh, cùng nghe nhạc, rồi mỉm cười, rồi ngóng trông, và chúng hôn nhau (mới chết!) Từ bao giờ? Từ bao giờ Park sẵn sàng đá văng răng Steve, cái thằng dám chế Eleanor? Và tại sao Eleanor lúc nào cũng “muốn thả mình trong vòng tay cậu. Muốn siết cánh tay cậu quanh người như thắt ga-rô cầm máu”?
Không nghi ngờ gì nữa, Rainbow Rowell đang kể về tình đầu ngốc xít. Thế nhưng bà lại đặt nó giữa kha khá những con sóng lớn: nào là kì thị, phân biệt chủng tộc, nào là quấy rối, bạo lực vv. Tưởng chừng sẽ bị nhận chìm, vậy mà tình yêu vẫn sáng lên, cứu sinh hai tâm hồn rất đỗi mong manh.
Eleanor & Park: chúng đủ thông minh để biết tình đầu đâu có bền lâu, song cũng đủ dũng cảm để thử và cố gắng. Ngọt, đắng cứ chầm chậm quyện vào nhau thành vị chocolate của tình đầu - nồng ấm, khó quên.
Xuyên suốt câu chuyện, ta gặp nhiều đối thoại. Ngỡ là những lời nói vu vơ, vụng dại, vậy mà sao khiến lòng ta nửa đau nhói nửa ngất ngây? Chắc chắn Rainbow đã đặt cả trái tim vào việc kiến tạo đối thoại, để từ đó bung tỏa những ý tưởng cởi mở, đa chiều về cuộc sống. Dĩ nhiên, cuộc sống ấy chủ yếu là của người trẻ - bồng bột mà kiên cường hệt như cuộc chạy trốn đáng kinh ngạc ở cuối truyện.
Đọc Eleanor&Park là đôi tai cần chuẩn bị nghe punk rock, thứ âm nhạc gai góc, ngạo đời len lỏi khắp truyện. Nhờ nó ta mới biết tuổi trẻ trải qua gềnh thác cô đơn tới nhường nào, và nếu muốn, tuổi trẻ sẽ trở nên bất khả bại ra sao. Hẳn vì chạm đến tâm tư chung ở mọi thời, bằng tiếng nói phi-địa-lý trước những vấn đề tưởng là “rất Mỹ”, truyện tình năm 1986 này vẫn không ngừng được mến yêu, ngưỡng mộ.
Eleanor&Park - cuốn sách thôi thúc ta ngoái nhìn tuổi trẻ, hoài thương mối tình đầu!
Tác giả
Rainbow Rowell là nhà văn đương đại người Mỹ. Bà có xu hướng sáng tác dành cho giới trẻ. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Rainbow với tựa đề Attachments được xếp vào một trong những tác phẩm đầu tay xuất sắc nhất năm 2011. Năm 2013, bà tiếp tục trình làng hai tiểu thuyết: Eleanor&Park và Fangirl - nhận được những phản hồi vô cùng tích cực.
Với tiểu thuyết Eleanor&Park, dường như Rainbow Rowell đã khắc họa vai nữ chính là phản ảnh của chính mình. Câu chuyện giống như một cánh chim bay trên rồi sà xuống hiện thực, rồi lại vút lên, khiến người đọc luôn có cảm giác bồng bềnh trong một thế giới vừa êm ái vừa khắc nghiệt.
Dịch giả
Ngô Hà Thu là một dịch giả trẻ đầy triển vọng. Ngôn từ của Hà Thu linh hoạt và ấn tượng. Dường như Hà Thu có thể phát huy tối đa sở trường dịch thuật ở những tác phẩm dành cho thiếu nhi hoặc người trẻ.
Những tác phẩm dịch đáng chú ý: Bên kia đường có đứa dở hơi, Đảo của Nim, series Ác mộng xanh, Eleanor&Park.