Tôi đã đọc cuốn sách này mấy năm, nay mới có dịp trình bày với các bác. Đây là hồi ký của một người dân K, người đã sống và chứng kiến những gì xảy ra do chế độ PolPot thực hiện ở Kampuchia trong những năm cầm quyền. Cánh Đồng Chết - còn có tên tiếng Anh là Killing Fields, cái tên đã quá quen thuộc đến nỗi trở thành ám ảnh với người dân Kampuchia, là bộ mặt của một chế độ dã man tàn bạo nhất trong lịch sử loài người. Không ai là không rùng mình khi xem những núi đầu lâu chất đống, những hố chôn người tập thể, hay ảnh những nạn nhân tuổi chừng đôi mươi với cặp mắt mở to trong sáng như muốn hỏi "Vì sao tôi phải chết???" Họ đã không nhận được bất cứ câu trả lời nào, chỉ bị trói tay, bịt mắt, rồi... trở thành một trong 2 triệu cái đầu lâu.
Cuốn sách là hồi ký của Chanrithy - tên thân mật là Athy. Lúc bị Khmer Đỏ dồn ra khỏi thành phố Phnompenh về nông thôn, cô bé mới 9 tuổi. Chứng kiến cái chết đau đớn của cha, mẹ, 3 người anh em ruột cùng các cô, dì, chú, bác trong trại tập trung cưỡng bức lao động của chế độ Khmer Đỏ, hình ảnh những tên Chhlop áo đen đã khác sâu vào tâm hồn ngây thơ bé bỏng của một cô bé lớp 2. Cô bé còn quá nhỏ để đối mặt với những bệnh tật, nạn đói, khổ sai, tủi nhục, ngược đãi, dọa dẫm, lăng mạ, chà đạp núp dưới từ "cải tạo". Hồi ký kể về một nơi địa ngục ngay trên thế gian, một xã hội man rợ ngay giữa thời đại văn minh, cuộc sống của một con thú trong hình hài một con người. Có những đứa trẻ bị hành hạ đến tàn tạ, bị bỏ đói đến chết, bị chặt đầu, moi gan, mổ ruột, xé xác... Những hình phạt tưởng như chỉ dành cho những kẻ đại gian ác thời Trung Cổ, nay lại dành cho những đứa bé hồn nhiên vô tội, những trí thức học giả uyên bác, những nhà sư tốt đời đẹp đạo... chỉ bởi một lý do rất đơn giản: Angka muốn thế.
Tuy nhiên những ai tìm hiểu nhiều về thời kỳ cầm quyền của Pol Pot - Yeng Sari - Kheu Samphon - Noun Chea đều có 1 cảm nhận là cô bé cũng không đến mức quá khổ như những gì trên các tài liệu. Xin thưa cô bé mới có 9 tuổi, cái tuổi mà lẽ ra đang học lớp 3... Những người lớn thực sự, nếu như còn sống sót, họ cũng không còn đủ sức để viết lại những tháng ngày đen tối đó nữa. Vì "họ không bao giờ dám mơ hay dám nghĩ đến cái gọi là tương lai, chỉ cố gắng sống ngày nào hay ngày ấy, cố suy nghĩ xem ta sẽ kiếm thứ gì ăn để ngày mai thân xác này không bị gói trong những chiếc bao tải rách rưới bẩn thỉu"
Đọc đến đoạn quân Khmer Đỏ bỏ chạy trước cuộc tấn công của quân đội nhân dân Việt Nam, tôi đã thực sự xúc động. Từng trang sách, từng đoạn văn, từng câu, cứ nhìn thấy cô bé viết bốn chữ "bộ đội Việt Nam" là nước mắt tôi lại muốn tuôn rơi. "Bộ đội Việt Nam" - đó là sự sống của những hồn ma chờ chết, là cứu tính của những số phận bi thảm. "Bộ đội Việt Nam" đã đập tan cái gọi là "tình đồng chí" sáo rỗng với những tên Khmer Đỏ vô nhân tính để đến với tình cảm gia đình của một người anh dành cho người em đang cơn hấp hối. Với người dân Kampuchia, "bộ đội Việt Nam" là Đức Phật, là thần thánh.
Xin hỏi những cường quốc vẫn thường tự xưng là "thế giới tự do, bảo vệ công lý và nhân quyền", họ ở nơi đâu trong lúc người dân Kampuchia đang rên xiết dưới gót giày Khmer Đỏ bạo tàn? Hay chỉ có người láng giềng nghèo Việt Nam sang giành lại sự sống cho họ?!?!?
Không còn gì để nói về chế độ diệt chủng khủng khiếp này cả.