Tôi Là Ê-ri là cuốn tự truyện của cô gái Thái Lan Thanadda Sawangduean – câu chuyện thật, đầy đau đớn về những trải nghiệm khi phải bán mình nơi xứ lạ do sự nghèo khó ép buộc. Cuộc sống của cô từ đó phải đối mặt với hạnh phúc, nỗi buồn, sự cô đơn, tình yêu, tù tội và rất nhiều bài học thách thức tính người đối với một cô gái nhỏ giữa thế giới đầy cạm bẫy. Thanadda Sawangduean đã miêu tả một cách đầy cuốn hút, từ từ bóc tách từng lớp từng lớp sự thật về cuộc sống của những cô gái hành nghề mại dâm ở xứ lạ.
Sức hấp dẫn của tác phẩm không chỉ ở đề tài mại dâm – đề tài mang đầy tính thời sự, một đề tài mà bất cứ quốc gia nào vào bất cứ thời điểm nào cũng gặp phải, mà còn ở cách kể chuyện mới lạ, giàu cảm xúc, dễ dàng rung động lòng người; giọng văn miêu tả vừa chân thực vừa thú vị các mặt khác nhau của xã hội.
Đọc Tôi Là Ê-ri, độc giả sẽ nhận ra rằng mại dâm - cái nghề mà cả thế giới này cho là dơ bẩn, nhưng thật ra cũng có đạo đức không thua kém bất cứ nghề nào, đó chính là sự trung thực. Thanadda Sawangduean may mắn khi cô không bị ông chủ người nước ngoài hay khách hàng nào ức hiếp, nhưng chính những người Thái giàu có, sang trọng lại cướp cả tài sản và thời gian của cô rồi thản nhiên phán rằng cái nghề mà cô đang làm thật bỉ ổi. Câu chuyện còn cho thấy sự kì diệu của định mệnh, những điều khó tin bất kể hay dở mà rất hiếm khi xảy ra với những cô gái bán hoa và đặc biệt là Thanadda Sawangduean. Cô chưa từng trách cứ ai khiến cho cuộc sống của cô trở nên tồi tệ mà ngược lại, cô bình tĩnh chấp nhận nó, ngay cả khi cô hiểu rằng cô đã sai. Thậm chí, trong gần 4 năm ngồi tù, Thanadda Sawangduean còn trở thành người giúp đỡ rất nhiều những tù nhân khác.
Tôi Là Ê-ri không chỉ đặt ra những bài học thách thức tính người trong mỗi cá nhân mà còn phản ánh hết sức sống động cách nhìn và thái độ của phụ nữ Thái Lan đối với một nghề nghiệp mà không ai đề cao và xã hội chưa từng chấp nhận. Tác phẩm phơi bày và lột trần từng góc khuất và những bí mật trong cuộc sống của gái mại dâm mà ít người biết đến.
Năm 2010, cuốn sách Tôi Là Ê-ri đã đoạt giải nhất Chommanard Book Prize. Giải thưởng sách Chommanard là giải thưởng uy tín, được chính công chúa Thái Maha Chakri Sirindorn ủng hộ và cổ vũ. Điểm đặc biệt nổi trội của Chommanard là giải thưởng này chỉ dành riêng cho các cây bút nữ.
Liệu có ai dám dũng cảm nói về những thiếu sót của bản thân, thật lòng nhắc đến những sai lầm trong cuộc sống, sẵn sàng đề cập đến những chuyện mà nhiều người đã từng phải xấu hổ, che giấu và kể về cuộc đời đầy đau khổ với nụ cười lạc quan luôn thường trực được đến như thế này.
Tôi Là Ê-ri - câu chuyện có thật của một cô gái bán dâm, vẫn luôn cố gắng vươn lên dù từng ngày trong cuộc đời trôi qua với đầy sự khắc nghiệt đeo bám.
Những nhận định về tác phẩm
“Điều đáng quan tâm trong những lời tự bạch của Ê-ri không phải ở sự mới lạ mà nó lôi cuốn người đọc qua việc phản ánh các góc cạnh cuộc sống đan xen vào nhau như chuyện gia đình, sự xuống cấp của xã hội, sự bóc lột coi thường những người yếu thế, hình ảnh nhà tù và thế giới về đêm mà nhiều người vốn chỉ luôn nhìn thấy bề nổi của nó.”
Voice TV
“Cho dù bạn vốn có định kiến với những cô gái bán dâm nhưng ít nhất, trước khi ngoảnh mặt đi, bạn hãy thử một lần mở lòng đọc cuốn sách Tôi Là Ê-ri để rõ hơn về họ, hơn là cứ luôn giữ mãi những ấn tượng xấu.”
Prachachat online
“Thanadda Sawangduean chấp nhận bị gọi là gái đêm, gái bán dâm, gái bán thân hay gì đó…nhưng không chịu làm kẻ chuyên cướp chồng người, cô đơn thuần chỉ cung cấp dịch vụ tình dục. Nhưng bước chân vào con đường hành nghề ấy cô công nhận rằng mình đã thiếu chín chắn, đi lầm đường và mù quáng trong ánh đèn mờ của những căn phòng chật hẹp mà quên đi tương lai của chính mình.”
Matichon online
Về tác giả
Thanadda Sawangduan, tên gọi thường ngày là Ning, sinh năm 1969. Ở cái tuổi ngoại tứ tuần, cô trông rất trẻ trung với dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt lấp lánh, nụ cười chân thành, vẻ mặt rạng rỡ toát lên sự hài lòng và vô tư ít thấy ở độ tuổi của cô.
Cuộc sống của cô chưa bao giờ biết đến hạnh phúc. Thanadda là con út trong một gia đình có 4 anh chị em, một gia đình đầy bạo lực thay vì tràn ngập tình yêu và hạnh phúc. Mẹ là thợ dệt, bố làm nghề mộc. Ông có 2 người vợ, mẹ của Thanadda là vợ cả. Sau khi gia đình bị lừa mất hết nhà cửa và đất, cả nhà phải đi ở nhờ nhà họ hàng.
Bằng giọng nói nhẹ nhàng có pha chút buồn buồn, cô kể về tuổi thơ cô độc và bế tắc của mình. Lúc đó, cô luôn tự hành hạ bản thân không thương tiếc. Thậm chí, có khi cô còn cảm thấy không có nơi nào để gọi là nhà, không có ai để gọi là gia đình. Bị đánh đập thường xuyên, cô dần trở nên lãnh đạm. Nhớ về thời thơ ấu đầy cay đắng của mình, cô kể cô từng bị anh trai tát vì về nhà với đôi môi đỏ vì ăn một viên kẹo dâu tây. “Anh ấy không buồn hỏi lý do tại sao môi tôi có màu đỏ mà ngay lập tức mắng tôi là con điếm. Tôi là con điếm vì ăn một viên kẹo dâu tây!”
Khi Thanadda Sawangduan học lớp 9, cô biết yêu lần đầu tiên. Câu chuyện tình yêu này là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời cô mặc dù bây giờ nhìn lại, cô nhận ra rằng, nó chẳng đáng để gọi là tình yêu. "Tôi đã tuyệt vọng đến mức cố gắng bám víu vào một ai đó, thậm chí tự lừa dối bản thân mình rằng đó là tình yêu. Cuối cùng, tôi đã mang thai ở tuổi 17, và toàn bộ cuộc sống của tôi thay đổi."
Sau khi sinh, cô bỏ học để đi làm kiếm tiền. Trải qua rất nhiều nghề như rửa bát thuê, bán hàng, làm vệ sinh nhà cửa nhưng không đủ tiền trang trải. Nghèo đói, thất vọng và đánh mất niềm tin đã đẩy cô đến với bước bán thân. Cô thừa nhận đó là một công việc được trả lương cao, và khi phải đối mặt với nghèo đói cùng cực, cô cảm thấy cô không còn lựa chọn khác.
Mặc dù vậy, nó cũng chẳng phải dễ dàng gì. Cô phải làm việc 20 giờ, ngủ với hơn 20 người đàn ông mỗi ngày. Cô đã làm việc ở nhiều quốc gia từ Thái Lan đến Singapor, Hong Kong, Nhật Bản …trong suốt 20 năm. Không ít lần cô cảm thấy khủng khiếp về bản thân mình, quyết định bỏ tất cả, nhưng rồi lại rơi vào cái nghèo, rồi lại quay lại. Rốt cuộc, cô vẫn không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đau khổ đó.
“Có việc nào khác có thể cho tôi 60,000 baht một ngày hay sao? Người ta dùng những giá trị xã hội của họ mà khinh bỉ chúng tôi, nhưng tôi hỏi bạn, nếu bạn là tôi, bạn có thể làm gì khác? Họ so sánh những người lao động khác với những người hành nghề mại dâm như chúng tôi rồi nói chúng tôi không có đạo đức. Họ có bao giờ tính xem tôi đã phải chịu đựng những gì để giữ cho mẹ tôi một mái nhà?”
Trong suốt quãng thời gian 20 năm mà cô gọi là bóng tối cuộc đời đó, cô đã từng là một gái mại dâm, một con bạc, một con nghiện và thậm chí là một tù nhân. “Làm gái mại dâm đã giống như sống trong địa ngục rồi, nhưng vào tù còn khủng khiếp hơn nhiều. Tôi thậm chí còn nghĩ đến cái chết để giải thoát bản thân khỏi tất cả. Nhưng khi ở trong tù, tôi đã học được rằng không phải tất cả các tù nhân đều là những người xấu. Tôi còn có vài người bạn thực sự tốt ở đó. Tù nhân, người bán dâm hay bất cứ ai làm bất cứ công việc gì, chúng ta đều như nhau. Chúng ta, tất cả đều là con người.” Chính khoảng thời gian ngồi tù, Thanadda Sawangduan đã học tập và rèn luyện kỹ năng viết lách.
Mặc dù từng hành nghề mại dâm, và ngay cả khi đang hành nghề, Thanadda Sawangduan vẫn có nguyên tắc của riêng mình. Đó là không bao giờ gây tổn hại hay phá vỡ gia đình của người khác. Cô nói: “Tôi không bao giờ dính dáng đến đàn ông đã kết hôn hay cố gắng để làm vợ bé của họ.” Nhưng trớ trêu thay, chính chồng cô lại bị một người phụ nữ khác – một nữ tiến sĩ – quyến rũ. Anh ta bỏ rơi cô sau 8 năm chung sống. Nhắc đến chuyện này, Thanadda Sawangduan chỉ cười nhẹ nhàng, cho rằng nếu không có trải nghiệm cay đắng này thì không có cô của hôm nay, và cũng sẽ chẳng có Tôi Là Ê-ri.
Nhận được giải thưởng lớn nhất cuộc đời, Thanadda Sawangduan cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Vào giờ phút này, cô đã bước ra khỏi bóng tối đã đe dọa và đeo bám cô suốt hai thập kỷ, mạnh mẽ tiến lên.
Khi Tôi Là Ê-ri ra mắt, Thanadda Sawangduan liên tục nhận được câu hỏi rằng có phải tất cả trong đó là sự thật không? “Tất cả những gì viết trong Tôi Là Ê-ri đều là thật. Nó là một vệt dài khủng khiếp, đen tối trong cuộc sống của tôi, mà không, trong một phần nhỏ bé của cuộc đời tôi. Vẫn còn nhiều điều để kể, có lẽ, tôi sẽ viết nhiều sách hơn.” Cô nói với đôi mắt lấp lánh và nụ cười rạng rỡ. Vẻ mặt ngập tràn hy vọng đó như đang xóa đi những vết thương cô từng phải chịu đựng trước khi trông thấy ánh sáng cuối đường hầm.