Ngày 11-9-2001, tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) ở nước Mỹ bị không tặc tấn công. Mười năm đã trôi qua, không ít tác phẩm điện ảnh, văn chương lấy sự kiện kinh hoàng này làm đề tài, và có lẽ câu chuyện này còn được nhắc đến nhiều năm về sau nữa. Riêng nhà văn người Pháp Frédéric Beigbeder gần như ngay lập tức đã có tiểu thuyết về vụ 11-9. Cửa sổ trên tháp đôi được viết và xuất bản tại Pháp năm 2003, đoạt giải thưởng Prix Interallié cùng năm đó.
Để viết cuốn tiểu thuyết này, ngay sau khi tiếp nhận tin thời sự, Frédéric Beigbeder đón một chuyến bay từ Paris đến New York. Nhại theo một câu nói nổi tiếng của văn hào Flaubert: “Tôi lên đường để kiểm chứng những giấc mơ”, Beigbeder đến Mỹ để “xác nhận cơn ác mộng của mình”. Nhưng cách viết của Beigbeder không phải là mô tả hiện thực, mà đặt ra những tình huống giả định (dựa trên những cứ liệu thật về vụ khủng bố) để khám phá tâm trạng của những con người trớ trêu tham dự màn kịch thảm họa dài khoảng 102 phút (đó cũng là thời gian thông thường của một bộ phim Hollywood).
Câu chuyện bắt đầu từ nhà hàng Windows on the world (Cửa sổ nhìn ra thế giới) nằm ở tầng 107 tòa nhà phía bắc. Một người đàn ông 43 tuổi dẫn hai con trai (đứa 7 tuổi, đứa 9 tuổi) đến ăn sáng nơi này. Lúc 8g46, chiếc máy bay Boeing 767 của Hãng American Airlines lao vào khoảng giữa tầng 94 và 98 của tòa nhà phía bắc. Và thế là một cuộc tháo chạy diễn ra dưới những đám khói mịt mù. Phải tìm cách thoát khỏi cái nơi vốn tuyệt vời đó. Nhưng cách nào? Với lối viết cố ý “dây dưa”, chuyện nọ xọ chuyện kia, chuyện nghiêm túc xen lẫn chuyện bỡn cợt, chuyện hiện tại lồng ghép chuyện quá vãng..., nếu người đọc tò mò muốn biết Frédéric Beigbeder sẽ bóc mẻ điều gì về vụ 11-9 thì có lẽ thất vọng. Ở đây Beigbeder chủ yếu trình bày một cách nhìn riêng về vụ 11-9. Nhìn từ bên trong, với những giả định, giả định trong vị trí người trong cuộc, giả định trong vai trò là nhà văn (viết về vụ 11-9), Beigbeder đã thành công khi “lôi” được người đọc theo suốt cuộc chạy trốn khỏi tòa tháp đôi.
“Cái mà chúng ta không thể thay đổi thì ít nhất cũng phải lột tả nó” - đó là câu của đạo diễn người Đức Rainer Werner Fassbinder mà Beigbeder lấy làm đề từ trong cuốn 99F, một cuốn sách bán chạy của ông. Nhưng nếu như ở 99F Beigbeder lột tả sự thật trần trụi về ngành quảng cáo thì ở đây ông chủ yếu lột tả về tâm trạng con người trong thảm họa. Chính điều này đã phần nào làm cho Cửa sổ trên tháp đôi vượt thoát khỏi một cuốn tiểu thuyết giải trí thông thường.
- T.N.T