Trái hạnh đào – cuốn tự truyện gây sốc viết về cuộc đời của Badra, một phụ nữ Ả-rập theo đạo hồi.
Năm năm sau đêm tân hôn thảm kịch của một đám cưới bị ép buộc, Badra đã trốn khỏi nhà đến nương náu tại nhà của người dì ở Tanger. Là một phụ nữ trẻ, đẹp và quyến rũ, Badra nhanh chóng rơi vào vòng tay một bác sĩ giỏi khoa tim mạch – người đã trở thành “vị chúa tể đồng thời là tên đao phủ” của cô, người dạy cô biết thế nào là yêu và cũng dẫn cô vào những cuộc phiêu lưu ngày càng trụy lạc. Badra đã có được tự do nhưng cũng mất dần cảm xúc yêu thương từ chính những cuộc phiêu lưu này; kể từ đó, cô cũng lãng quên dần cảm xúc trong niềm lạc thú cuồng nhiệt không hề có tình yêu.
Trái hạnh đào – bài ca thức tỉnh về tình yêu và niềm lạc thú của một phụ nữ Maghreb, thể hiện rất rõ tài năng và phong cách của tác giả. Một văn phong như trò giả kim thuật diệu kỳ của những mâu thuẫn: tuy sống sượng nhưng nên thơ, dù phóng đãng song lại tràn trề xúc cảm, vừa hiện đại vừa truyền thống. Có thể nói chưa bao giờ có một phụ nữ Hồi giáo nào lại thẳng thắn như vậy, sẵn sàng nói đến sự đắm say xác thịt và nhục cảm, dũng cảm vén lên tấm voan che phủ những vấn đề tình dục trong một xã hội bị áp đặt bởi “một thứ đạo Hồi méo mó”. Tác giả đã lột tả tất cả những điều khiến bản thân phải “Vừa viết vừa đỏ mặt”, đua tranh về sự táo bạo với các bậc tiền nhân “một cách thoải mái, không kiểu cách, trí tuệ minh mẫn và ham muốn rung lên”.