Hiếm cuốn sách nào có được ảnh hưởng sâu sắc đến với nền văn hóa Mỹ như cuốn sách của Jack Kerouac. Hòa theo nhịp đập ngầm trong lòng nước Mỹ thập niên 1940, 1950, những nhịp đập của nhạc Jazz, sex, ma túy, sự bí ẩn và những hứa hẹn của con đường rộng mở, cuốn tiểu thuyết kinh điển về tự do và khát vọng này đã định nghĩa “thế hệ bỏ đi”, đồng thời, gợi cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà thơ và những ai vẫn hằng kiếm tìm sự tự do và khát vọng ấy.
Cuộc phiêu lưu xuyên Mỹ của Sal Paradise và Dean Moriarty trong truyện dựa trên chuyến đi có thật của Jack Kerouac và Neal Cassady. Về thực chất, đó chính là hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và sự trải nghiệm đích thực. Được viết bằng sự pha trộn giữa cái nhìn buồn bã ngây thơ với sự phóng túng cuồng nhiệt, giữa tình yêu sâu sắc của Kerouac với nước Mỹ, lòng trắc ẩn của ông với con người và cảm thức về ngôn ngữ, coi nó như nhạc Jazz, Trên đường là một điển hình cho cách nhìn Mỹ về tự do và hy vọng, đặc biệt trong bối cảnh “Giấc mơ Mỹ” bắt đầu tan vỡ. Với Trên đường, Jack Kerouac bắt đầu phát triển một cách viết mà ông gọi là “Văn xuôi bộc phát” (Spontaneuos prose) với đặc điểm gồm rất nhiều các câu dài, kết cấu hình thức phóng khoáng, được viết ra ngay khi ý tưởng ập đến trong đầu, mang tính cá nhân rất cao. Ngay khi ra đời, cuốn sách đã gây không ít tranh cải, nhưng bất chấp những tranh cãi đó, Cuốn sách vẫn được đa số công nhận là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất thế kỷ hai mươi của nền văn học Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
“Nếu như "Mặt Trời Vẫn Mọc" của Hemingway ở thế kỷ hai mươi được coi như cuốn Kinh Thánh của "thế hệ bỏ đi" thì cuốn sách của Jack Kerouac cũng đóng một vai trò như vậy với "thế hệ Beat". (…) "Thế hệ Beat" sinh ra đã vỡ mộng. Họ coi những nguy cơ xảy ra chiến tranh, sự trì trệ của hệ thống chính trị, thái độ thù địch của cộng đồng là hiển nhiên. Sự giàu có không làm họ ấn tượng. Họ không biết mình đang tìm kiếm nơi nào để nương tựa, nhưng họ vẫn không ngừng tìm kiếm.”.