Văn học phi lý là một hiện tượng văn học độc đáo - vì thế nó cũng là hiện tượng gây tranh cãi của thế kỷ XX. Ở Việt Nam văn học phi lý cũng đã được nghiên cứu từ những năm 60 của thế kỷ trước (ở cả hai miền Bắc-Nam). Song nó mới chỉ được đề cập đến với tư cách là một phần cấu thành nằm trong một đề tài của công trình nghiên cứu chứ chưa phải là đối tượng của một công trình chuyên luận riêng biệt. Sau khi đất nước thống nhất, đến cuối những năm 1980 thì các tác phẩm văn học phi lý mới bắt đầu được dịch sang tiếng Việt, nhưng cho đến nay vẫn chưa được đầy đủ.
Trong giai đoạn trước thời mở cửa, do hạn chế về điều kiện lịch sử của nước ta, văn học phi lý thường bị phê phán nhiều hơn là khẳng định. Gần đây, văn học phi lý đã được đánh giá thỏa đáng hơn, cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực, nói chung là sự đánh giá có cách nhìn khách quan hơn, có nhấn mạnh đến mặt đóng góp tích cực nhiều hơn của văn học phi lý. Các giáo trình văn học phương Tây dùng để giảng dạy trong các trường đại học của các giáo sư Đỗ Đức Hiểu, Đặng Anh Đào, Hoàng Nhân, Phùng Văn Tửu... đã giới thiệu khá đầy đủ diện mạo của những đại diện chủ chốt của văn học phi lý.
Các giáo trình giảng dạy của các giáo sư nói trên đều là những công trình nghiên cứu về từng tác giả riêng biệt, giúp người đọc hiểu sâu về cuộc đời và sáng tác của từng nhà văn, chưa cung cấp cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về văn học phi lý với tư cách là một hiện tượng thống nhất.
Từ năm 1999 các tác giả cũng đã có một số bài viết về đề tài văn học phi lý..., tất cả đều được coi là những bước tập dượt cho việc thực hiện một công trình chuyên luận về văn học phi lý. Đây là một công việc rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa các nhà khoa học.
Cuốn sách gồm hai phần: phần I là phần khảo luận nghiên cứu của các tác giả; phần II là phần tư liệu do các tác giả tuyển chọn giới thiệu một số tác giả chủ chốt của Văn học phi lý.
Trân trọng giới thiệu!