Lấy bối cảnh thành phố Dae-gu hoang tàn sau cuộc nội chiến giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên vào những năm 50 của thế kỷ trước, tác phẩm kể về chuỗi ký ức của nhân vật ‘tôi’ - một cậu bé lớp bốn từng được khen ngợi sẽ là chủ tịch xã tương lai - nhưng sau khi bỏ làng quê chuyển lên thành phố cùng gia đình đã phải sống một cuộc sống vô cùng túng quẫn và bế tắc. Nhà văn Lee Dong-ha thông qua tác phẩm ‘Thành phố đồ chơi’ đã tái hiện lại những gì mà bản thân tác giả đã từng trải nghiệm trong thời niên thiếu như những cảm nhận mất mát về cuộc chiến đã qua, cuộc sống tha hương, đói khát, chia ly và trên tất cả là nỗi đau khi người mẹ qua đời.
Ngoài ra, trong tác phẩm này nhà văn còn đề cập đến bản chất lạnh lùng và khắc nghiệt của cuộc sống thành thị thời bấy giờ. Cả gia đình ‘tôi’ đã thất bại ngay từ mưu kế sinh nhai đầu tiên. Bàn tay vụng về thô kệch vốn chỉ quen với công việc đồng áng của bố không thể nào nướng được những chiếc bánh pull-bang ngon ngẻ để kiếm được tiền từ túi thiên hạ. Và rồi trong một thời gian dài bữa tối của cả nhà chỉ là món bánh pull-bang nguội ngắt và những cốc trà lạnh. Sau một tháng chuyển nhà lên sống ở xóm lán trại của thành phố đồ chơi nực cười đó ‘tôi’ - lúc nào cũng mang trong mình mặc cảm là ‘kẻ nhà quê’ đã nhận ra được bản chất của cuộc sống khắc nghiệt chốn thành thị. Những kẻ nhà quê như ‘tôi’ rất khó để thích ứng với nó.
Có thể nói ‘Thành phố đồ chơi’ là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Lee Dong-ha. Tiểu thuyết này gồm ba phần ‘Thành phố đồ chơi’, ‘Những linh hồn đói khát’ và ‘Thời gian của Giu-đa’. Trong từng phần là những câu chuyện nhỏ xoay quanh những nhân vật và sự kiện tồn tại trong ký ức của ‘tôi’ như bố, mẹ, chị, cậu bạn Tae-gil…Với lối hành văn giản dị dễ hiểu, tác giả đã khắc họa cuộc sống đầy khó khăn, vất vả, cô độc của một đứa trẻ trong xã hội rối ren thời bấy giờ. Nhà văn Lee Dong-ha đã mất khoảng bốn năm để viết tác phẩm này và ngay từ những ấn bản đầu tiên ‘Thành phố đồ chơi’ đã được độc giả Hàn Quốc nhiệt tình đón nhận.