Truyện dân gian bao gồm truyền thuyết, truyện cổ tích, giai thoại, truyện cười... lưu truyền trong dân gian từ thế hệ này đến thế hệ khác bằng hình thức kể chuyện. Người Đức không có hệ thống thần thoại như người Hy Lạp, chỉ có vài nét đơn sơ ghi trong các sách. Nếu truyện cổ dân gian (cổ tích) thỏa mãn trí tưởng tượng về ước mơ công bằng xã hội, về cái thiện bao giờ cũng thắng cái ác, thì truyền thuyết hun đúc và khơi gợi lòng yêu quê hương, đất nước, sự trân trọng những giá trị lịch sử - văn hóa của dân tộc. Đặc điểm này hoàn toàn giống nhau trong truyền thuyết Việt Nam và truyền thuyết Đức.
Từ điển Văn học Việt Nam viết: “Truyền thuyết là một loại tự sự dân gian, có quan hệ gần gũi với thần thoại và truyện cổ dân gian (cổ tích). Điểm phân biệt truyền thuyết với các thể loại kia là nhân vật, sự kiện, địa danh trong truyền thuyết là có thực và là cốt lõi hiện thực lịch sử.”
Anh em Grimm đã so sánh truyền thuyết với truyện cổ: “Truyện cổ mang tính thi ca hơn, trong khi đó truyền thuyết mang tính lịch sử hơn”. So sánh ấy đã nói lên được điểm khác biệt cơ bản giữa hai thể loại truyện cổ dân gian (truyện cổ tích) và truyền thuyết của văn học truyền miệng.
Truyện cổ dân gian Đức tô vẽ thêm nhứng tình tiết có tính siêu nhiên như các nhân vật là quỷ thần, yêu quái, người khổng lồ, người tí hon... làm cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn và dễ lưu truyền trong dân gian từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trước kia truyện dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ bằng hình thức kể chuyện (truyền miệng). Sau khi có chữ viết, chúng được sưu tầm, ghi lại và in thành sách.
Ở Đức, truyện cổ tích và truyền thuyết được anh em Grimm (Jacob Grimm và Wilhelm Grimm), Ludwig Bechstein sưu tầm và cho xuất bản. Trước khi được xuất bản thành sách, truyện dân gian đã được lưu truyền từ nơi này sang nơi khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, nên trên mình nó đã mang đến bao lớp bụi của thời gian cùng dấu ấn và hơi thở của những thời đại khác nhau. Khi được in thành sách thì nó còn mang rõ nét văn phong của người kể. Tiếng cười không thể thiếu trong đời sống con người. Tuổi trẻ cười hồn nhiên, tuổi già cười thâm thúy. Mỗi dân tộc lại có cách cười khác nhau. Câu chuyện sau đây là chuyện vui, nhưng nó nói được phần nào sự thật về cách cười của các dân tộc khác nhau:
Có một người kể câu chuyện cười cho bốn người nghe: một người Pháp, một người Đức, một người Mỹ, một người Anh. Chuyện vừa kể xong, người Pháp cười ngay; người Đức trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi mới cười; người Mỹ một lúc sau mới nhận thấy sự hài hước và cười thoải mái; còn người Anh cũng đã nhận ra, nhưng chẳng lẽ lại cười sau người khác, nên cố nhịn và làm lơ.
Người Việt Nam có lẽ là dân tộc có nhiều kiểu cười vào loại nhất nhì thế giới: từ cười duyên, cười tình tới cười mát, cười nhạt, rồi cười trừ, cười ra nước mắt, cười gằn, cười sằng sặc, v.v...
Một thể loại khác rất gần gũi với truyện cười là giai thoại. Giai thoại là một thể loại văn học truyền khẩu khiến nó trở thành giai thoại. Dân tộc nào trên thế giới cũng có giai thoại riêng của mình. Đặc điểm của giai thoại là ở chỗ thể hiện rõ cá tính dântộc hơn các thể loại văn học khác. Điều đó ta thấy qua giai thoại các nước: giai thoại Ý đầy trí tuệ và hồn nhiên; giai thoại Pháp thể hiện rõ nét lịch thiệp, lãng mạn; trong khi ta thấy vẻ lạnh nhạt phớt đời trong giai thoại Anh thì lại thấy tính thật, thẳng tới mức thô lỗ, logic tới mức máy móc ở trong giai thoại Đức; rồi tính thâm trầm thường thấy trong giai thoại Trung Quốc; tính nhân bản trong giai thoại Ấn Độ; tính triêt lý cao trong những giai thoại Hy Lạp. Thông minh, nhanh trí, hóm hỉnh biểu hiện rõ trong giai thoại Việt Nam.
Văn học dân gian Đức gắn liền với lịch sử, xã hội Đức, gắn liền với truyền thống dân tộc Đức. Nó phản ánh tâm hồn Đức, tinh thần Đức trong đời sống cá nhân và trong đời sống cộng đồng Đức. Cái gì người Đức đã khởi xướng, họ sẽ làm đến cùng với tinh thần hoàn tất công việc một cách hoàn hảo. Qua văn học dân gian, người Đức biểu thị tình yêu, sự đam mêm cái đẹp, cái cao thượng nhằm hướng tới chân, thiện, mỹ.
Đại văn hào Đức Johann Wolfgang Geothe có nhận xét về người Đức như sau: “Người Đức đòi hỏi một mức nghiêm khắc nhất định, một mức vĩ đại nhất định trong tính tình và một sự phong phú về nội cảm”.
Người Đức khi xưa sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi gia súc, đồng thời họ cũng là thợ săn, lính chiến. Người Germanen cao dong dỏng, luôn sẵn có bên mình khiên và giáo. Thường họ hay đi săn heo rừng hay gấu. Thứ nước họ uống và một loại nước để len men từ mật ong gọi là Met. Họ sống trong những túp lều và nằm ngủ trên tấm da gấu. Người Đức ngày nay vẫn giữ được những đức tính của tổ tiên mình. Cá tính người Đức có được điều chỉnh có thích ứng với những thay đổi theo dòng thời giàn, nhưng về bản chất, người Đức rất tự tin, luôn tự đặt cho mình những câu hỏi: Tôi có thể biết cái gì? Tôi phải làm cái gì? Tôi được phép hi vọng cái gì? Người Đức ở mỗi vùng lại có những nét riêng trong cá tính: “Người Bayer lúc nào cũng rộn ràng với công việc, trong khi đó người vùng Schwaben và Baden rất tốt bụng, còn người vùng Rhein lúc nào cũng vui nhộn. Chẳng kém các vùng nói trên là người vùng Sachsen – những con người luôn luôn sôi nổi”. Những cung bậc trong tình cảm của người Đức được nhà thơ Heinrich Heine diễn tả như sau: “Ở trong các bài hát dân ca chúng ta nghe được nhịp đập con tim của dân tộc Đức. Ở đó nó cho thấy rõ những vui buồn lẫn lộn cùng trí tuệ cuồng nhiệt của dân tộc (Đức). Chỗ này nghe tiếng trống cơn thịnh nộ của Đức, chỗ kia ta nghe thấy tiếng huýt sáo của máu hài hước Đức, chỗ khác ta thấy tình yêu Đức đang ôm hôn. Ở đây ta thấy rượu vang Đức chính hiệu và nước mắt Đức đang được luyện thành ngọc”.
Năm 2007, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra mắt bạn đọc Truyện cổ Grimm toàn tập của dịch giả Lương Văn Hồng. Nhưng kho tàng văn học dân gian Đức không chỉ có vậy. Lần này, chúng tôi xin phép giới thiệu tiếp tận truyện dân gian Trái tim hóa đá của ông như một sự bổ sung thiết thực, nhằm giới thiệu cùng đông đảo bạn đọc gần xa tính đa dạng, phong phú của văn học dân gian Đức. Hy vọng cuốn sách sẽ giúp các bạn có thêm những phút thư giãn bổ ích và lý thú.