Nhiều khả năng ngay khi bạn lật giở những trang đầu tiên của Anh Chồng Stockholm, Người Tình Paris Và Cậu Bạn Thân Bangkok, bạn sẽ có cảm giác rằng bạn đang gặp môt cô gái, một người mà bạn đã quen từ lâu, vẫn hay nhỏ to và đi cà phê với bạn, khoác tay bạn tung tăng đi khắp nơi và ngồi cạnh cho bạn tựa vào những khi ánh mặt trời trong bạn chợt tắt, cô gái với nước da rám nắng, đôi mắt nâu thẳm long lanh, cái miệng luôn cười và đôi chân thì nhẹ nhàng như gió. Bạn cũng sẽ mỉm cười, lắc lư bờ vai và chớp nhẹ đôi mắt, như thể nhìn thấy chính bản thân mình trong cuốn sách, ở thì quá khứ, hiện tại, hoặc tương lai.
Anh Chồng Stockholm, Người Tình Paris Và Cậu Bạn Thân Bangkok là một hành trình đi qua rất nhiều thành phố và rất nhiều cung bậc của cảm xúc. Theo những trang viết, bạn sẽ đến thăm một khu rừng kì lạ nằm giữa con phố trung tâm của Bali, những sân ga – minh chứng lịch sử ở Berlin, những kiến trúc xinh xắn uốn lượn theo những con đường trên bề mặt gập ghềnh của Oslo, những xưởng thủy tinh, thêu ren tinh xảo ít người biết tới ở Venice, khu phố đèn đỏ ở Amsterdam, những con phố ở Bangkok hồ hởi trong sự đan xen giữa những khu nhà sang trọng, những đền chùa cổ kính và những xe hàng dạo…; bạn sẽ gặp gỡ những con người Thụy Điển vẻ ngoài xa cách nhưng kì thực lại mang một trái tim ấm áp vô cùng, những cô gái Mari rực rỡ và quyến rũ, những “nàng Juliet” của Câu lạc bộ Juliet ở Verona.. Bạn cũng sẽ gặp ở đó những chàng trai, những khoảnh khắc lãng mạn, những rung động chớm nở và cả nỗi nhớ nhung day dứt, tình yêu thương và mối gắn kết gia đình, những niềm thân thương hướng về quê hương… Trong cuốn sách còn có những phần ghi chú nhỏ rất dễ thương được tác giả góp nhặt từ cuốn sổ tay trong mỗi chuyến hành trình, đó có thể là một vài đều thú vị mà người viết vừa đọc được trong một cuốn sách nào đó, công thức nấu một món ăn, công thức đắp mặt nạ dưỡng da hoặc những bí kíp và chú ý khi đi du lịch.
Giống như cái tên Anh Chồng Stockholm, Người Tình Paris Và Cậu Bạn Thân Bangkok, mỗi địa danh mà người viết đi qua không chỉ đơn thuần là Paris, Venice, Bangkok, Praha, Amsterdam, Prague…, mà tác giả đặt cho nó những cá tính – như những gì cô cảm nhận về nó, đó là Venice đỏng đảnh, Amsterdam bỡn cợt, Nora nhỏ xinh, Milan đỏm dáng, Helsinki rạng rỡ, Oslo kiêu hãnh, Prague mong manh… Tất cả, đều giống như những cô gái, hoặc, những phần tính cách trong một cô gái
“Đây là một cuốn sách tình yêu hơn là một cuốn sách du lịch.” Tác giả đã tự nhận xét như vậy. Và có lẽ vì thế, không giống như những cuốn sách hành trình khác, trong Anh Chồng Stockholm, Người Tình Paris Và Cậu Bạn Thân Bangkok, bạn sẽ không có những bức ảnh chụp về những địa danh mà tác giả nhắc tới trong cuốn sách, mà thay vào đó, bạn sẽ có những bức tranh. Bởi cảm xúc chẳng bao giờ rõ ràng được như những ô màu pixel, mà đó là những gì chúng ta vẽ lại trong trái tim và ký ức của mình.
Travelling Kat trẻ, và đầy nữ tính. Cái nữ tính nguyên thủy, chứ không phải thứ nữ tính bó buộc trong khuôn phép của truyền thống, trong lề thói và trong khối óc của xã hội. Cái nữ tính ấy len lỏi trong từng dòng chữ của cuốn sách, làm nên một hương vị rất khác, một màu sắc rất khác của Anh Chồng Stockholm, Người Tình Paris Và Cậu Bạn Thân Bangkok.
Bạn có thể chọn giữa việc đọc hoặc không đọc cuốn sách này. Nhưng nếu phần nữ tính trong bạn thôi thúc bạn hãy giữ cho mình một cuốn, thì hãy đọc cuốn sách vào những lúc bạn hoàn toàn thư thả, có thể là dịp cuối tuần hoặc những buổi sáng sớm, bên chiếc bàn và khung cửa sổ của bạn. Không cần, và đừng đọc hết một lèo, hãy nhâm nhi từng chút một, đọc nó xen kẽ với những cuốn sách khác, như thể thỉnh thoảng lại hẹn hò với cô bạn thân của mình vậy.
Về tác giả
Travelling Kat tên thật là Nguyễn Kim Ngân, sinh năm 1987 tại Hà Nội. Khi còn ở Hà Nội, Kim Ngân làm phóng viên, biên tập viên của báo Sinh Viên Việt Nam – Hoa Học Trò. Hiện nay, Ngân làm việc tại một công ty tư vấn truyền thông ở Thụy Điển và viết bài cho các tạp chí phụ nữ. Travelling Kat đã đi qua 29 quốc gia, hơn 100 thành phố. Cô nhận nuôi một chú mèo đen trắng không nhà tên là Seatle (nghĩa là “Siêu nhân” trong tiếng Thụy Điển).
Trích đoạn
LỠ HẸN PARIS
Paris không quá xa xôi: khoảng 10 giờ bay, năm múi giờ với Hà Nội nhưng không hiểu sao cứ tồn tại một cách trăn trở trong giấc mơ của các cô gái trẻ, trong đó có tôi.
Người đến muộn hai năm
Paris, 2011. Tôi đã ùa mình vào châu Âu, hai năm muộn hơn Số 3. Sắp xếp cuộc sống mới tại Thụy Điển, tôi không thể nguôi niềm mơ ước Paris. Những ngày cuối tháng Ba, dẹp hết công việc: Tôi đi Paris.
Trong khi ở phía Bắc, mùa Xuân vẫn là niềm khao khát và chờ đợi thì Paris đã bừng nắng ấm áp. Hoa thủy tiên vàng rộm, những bông tulip hồng tía và những chòm cây tỏa một sắc xanh lạc quan lên khắp công viên Luxembourg. Nắng như một món phụ kiện Hermès ánh vàng mà cô nàng Paris sành điệu trang hoàng lên chiếc đầm Dior New Look thanh lịch của mình. Mùa Xuân đã tới Paris thật rồi!
Đã một lần lỡ hẹn với Paris, tôi quyết định cho mình một lịch trình lười biếng nhất. Bỏ qua các lịch trình quen thuộc, tôi đi kiếm tìm Paris của riêng tôi, thỏa mãn những gì tôi đã tưởng tượng, mơ ước và chiếm gọn Paris cho mình mình.
Tôi dành trọn một ngày với Louvre, một trong những viện bảo tàng vĩ đại nhất Thế giới. Không vội vàng đi gặp quí bà Mona Lisa, tôi thơ thẩn tìm những người phụ nữ nhỏ bé khác đứng bên bà, khiêm nhường hơn nhưng không vì thế mà kém sắc. Louvre có bốn tầng, bắt đầu tính từ tầng -1, với ba khối nhà mang tên Sally, Richelieu và Denon, xếp theo hình chữ U. Các khu trưng bày phân loại theo phong cách, xuất xứ, và niên đại. Louvre lớn đến nỗi bạn chắc chắn sẽ lạc trong lần đầu tiên nếu không đi theo bản đồ và dù có đến nhiều lần, bạn vẫn không xem đủ được hết các khu trưng bày. Có những khu, nội dung trưng bày được thay đổi liên tục. Thế là đủ đảm bảo dù là người Paris cũng không dám nói tài rằng mình thuộc Louvre như lòng bàn tay. Nghe theo lời khuyên của người bạn bản xứ, tôi đặt thứ Hai để đến Louvre, ngày mà bảo tàng vắng nhất.
Trong tòa tháp kính ấy, tôi tìm thấy những mảnh ghép của người phụ nữ trong các bức điêu khắc. Tôi tìm thấy bức tượng nữ thần mặt trăng Athena đang vươn tay lấy mũi tên đầy kiêu hãnh trong dãy hành lang nghệ thuật Ý dài ngút, rồi lại xiêu lòng trước ánh mắt và dáng nằm lả lơi, thư thái của nữ thần sắc đẹp Aphrodite trong vườn tượng Marly. Đi thơ thẩn một lúc với những câu hỏi tình yêu, tôi vô tình lại chạm mặt Venus nhưng giờ đơn độc, buồn bã trong thân hình không toàn vẹn, Venus de Milo, rồi lại xót xa cho bức tượng nữ thần chiến thắng Victory không đầu, không tay nhưng đôi cánh vẫn giương cao kiên cường. Lòng can đảm của Athena, niềm khao khát của Aphrodite, nỗi cô độc của Venus de Milo và sự hy sinh của Victory… mỗi bức tượng được đặt rải rác trên mỗi tầng của viện bảo tàng, như những mảnh vỡ từ hiện thân của người phụ nữ hoàn hảo. Đứng trước họ, cô gái nhỏ như tôi không thấy run sợ, mà ngược lại, tự nhiên cảm giác được bao bọc, động viên.
Ngày thứ hai, tôi chọn Montmartre là điểm đến cho mình. Người bạn đồng hành của tôi mang tên Amelie Poulain.
Dù không hiểu hết lời thoại tiếng Pháp, nhưng tôi mê mẩn những thông điệp trong đôi mắt trong sáng và ngộ nghĩnh của cô nàng lười lớn, nhút nhát trong bộ phim Le fabuleux destin d'Amélie Poulain (Số phận tuyệt đẹp của Amelie Poulain). Amelie đã từng không biết yêu - một tình yêu nam nữ đơn thuần, không biết lớn - như cách một cô gái tuổi 20 phải làm thế. Một ngày, khi một việc làm tốt của cô mang lại hạnh phúc cho một người xa lạ, Amelia quyết định sẽ làm người mang hạnh phúc cho người khác. Cô giúp người họa sỹ già bị bệnh xương thủy tinh nhìn cuộc sống rộng hơn khung cửa sổ của ông, giúp người vợ bị phản bội tìm lại niềm tin vào người chồng đã khuất, giúp cha cô tìm lại niềm vui trong cuộc sống và trả thù cho cậu bé bán rau bị bắt nạt.
Cô đã làm rất tốt, trừ chuyện của chính mình. Cô gái nhút nhát, bước từng bước e sợ để kiếm tìm tình yêu của mình với anh chàng thích sưu tầm những bức ảnh vứt đi ở máy chụp ảnh công cộng. Khu đồi Montmartre mà tôi đến là nơi Amelie trong phim dự định tạo cho mình và chàng một cuộc hẹn trong mơ rồi lại bỏ lỡ vì không đủ can đảm.
Montmartre quyến rũ nhất là những dãy hàng quán nhỏ với những quán cà phê vỉa hè thanh lịch. Những cửa sổ nhỏ có bồn hoa như những viên kẹo xinh xắn người thợ bánh khéo léo định trên chiếc bánh kem Montmartre uốn lượn. Ở góc này góc kia, những người nghệ sỹ đường phố đứng hát vang và chơi đàn, những họa sỹ rong ngồi vẽ say mê những đôi tình nhân nắm tay nhau trong kỳ nghỉ trăng mật. Ai nói Montmartre không có danh lam thắng cảnh để xem cũng được mà nói nơi đây, mỗi viên gạch là một kỳ quan cũng chả phải nói quá. Bạn chỉ cần bước đi, cảm Montmartre theo cách của riêng mình, thế là hoàn hảo!
Bước trên những bậc thang tới nhà thờ Sacré Coeur, thơ thẩn trên dãy hành lang dài uốn lượn, tôi tưởng tượng mình như Amelie khi vẽ những đường mũi tên chỉ dẫn cho Nino, anh chàng cô yêu, đến chỗ cô trốn trên đồi Montmartre rồi lại sợ hãi rời bỏ chỗ trốn khi chàng sắp đến gần. Trong quán cà phê “Hai cối xay gió”, tôi mơ màng nghĩ mình là Amelie sau quầy bar và thích thú với những kế hoạch thiên thần.
Nhưng chiều về, khi Montmartre bắt đầu vắng lặng, những hạt mưa xuân bắt đầu rơi, lòng tôi trùng xuống với nổi cô đơn kỳ lạ.
Hình như tại Paris...
Sai lầm ngày chia tay
Suốt hai năm, Số 3 với tôi nói chuyện nhiều hơn qua mạng. Anh nỗ lực với việc học, công việc và có những thành công đầu tiên ở Pháp; tôi chạy đua với các số báo, những cuộc tình và cả những trưởng thành muộn màng của đứa con gái “lười lớn”. Đêm về, khi nói chuyện, hai đứa cho phép mình nhỏ lại, hồn nhiên và vô lo nhưng những ngày L’espace. Anh thôi gọi tôi là chị và tôi cũng cho phép mình được nép mình trong vỏ bọc của một cô bé khi ở bên anh. Hai năm, Số 3 theo tôi trong từng cuộc tình, từng bước chuyển cuộc sống. Nhiều đêm không cần nói chuyện, chỉ cần thấy nickname trên Gmail của anh sáng, tôi an tâm làm việc và biết có ai đó đang thức cùng tôi.
Số 3 đã có bạn gái, điều tôi chưa từng biết trước khi đến Paris.
"Tôi có thể ôm em được không?" Số 3 hỏi tôi, lần đầu tiên trong ngày tôi rời Paris.
Tôi ôm anh.
Phải chăng, tôi đã mắc phải lời nguyền của Hemingway về Paris...
Cái ôm tạm biệt đã - không ngờ - lại là một sai lầm...