Gần 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, một phần lịch sử được hé lộ. Chim Sắt và những người bạn, người thân trong câu chuyện này là những con người bằng xương bằng thịt đi ra từ cuộc sống.
“Chim Sắt”, biệt danh của cô gái trong câu chuyện này là một trong những người phụ nữ đầu tiên gia nhập Biệt động Sài Gòn và tham gia những trận đánh lớn lúc bấy giờ. 11 năm, cô bị đày 3 lần ra Côn Đảo, trải qua những tháng năm tuổi trẻ khốc liệt ở các nhà tù Sài Gòn, Biên Hòa, với những đòn tra tấn dã man của địch, nhưng vẫn giữ vững ý chí và tinh thần đấu tranh cách mạng. Để rồi hôm nay, người phụ nữ anh dũng đã từng lập nhiều chiến công hiển hách lẫn gánh chịu những mất mát trong thời chiến ấy, trở lại hình ảnh một người mẹ, người vợ thầm lặng, giản dị, nhỏ bé giữa đời thường.
Chân thật và xúc động, cuốn sách giàu tình tiết này tái hiện một phần cuộc đời từ ấu thơ tới những ngày tuổi xuân, một hành trình dài để làm nên số phận mang tên “Chim Sắt” không thể nào quên.
“Nếu không có câu chuyện kể của cựu tù Côn Đảo này, hẳn chúng ta không thể biết đã từng có những không gian sống,những cuộc đời thật đẹp, tồn tại giữa hai làn đạn. Lịch sử, đôi khi vì lí do nào đó mà bị vùi lấp, bị lãng quên.” (Nhà văn Võ Thị Xuân Hà)
“Câu chuyên này không hẳn thật mới, nhưng tại sao lại cuốn hút? Phải chăng tác giả biết chọn những trường đoạn, những chi tiết đắt nhất – phục chế được đời sống thị dân ở khu phố nghèo, đến miền Trung gió cát, nhà tù Côn Đảo… cùng những trận đánh đã đi vào trang sử, được kể với giọng điệu và ngôn ngữ văn chương. Những nhân vật trong “Nụ cười Chim Sắt” lần lượt hiện lên, tạo ấn tượng cho người đọc. Số phận của họ được thể hiện không chỉ bằng lòng quả cảm, xả thân cho nghiệp lớn mà còn mang tính cách dung dị trong đời sống thường nhật lúc bấy giờ. Có thể nói rằng, khi nhà văn có tài phản ánh hiện thực, sẽ có tác phẩm hay.” (Nhà văn Nguyễn Quốc Trung)