Đọc tập sách để thấu được những nỗi niềm đau đáu khôn nguôi từ những câu chuyện rất nhỏ, rất đời: một lần vục bát cơm vào nồi để giành lấy phần hơn (Từ Một Lần Ăn Hỗn)... Đọc để thấy được cái tình thấm đẫm từ những vật vô tri vô giác: gốc sứ truyền đời qua bao hợp tan của tình cha mẹ, nghĩa anh em (Cây Bông Sứ Nhà Nội); luồng gió nhẹ từ chiếc quạt mo cau mang theo sức nặng của tình mẹ, lòng con (Chiếc Quạt Mo)...
Và nhiều hơn trong tuyển tập lần này là những tâm sự, những ẩn ức vốn đã được mỗi người tự dìm sâu vào ký ức. Là nỗi đau tinh thần và thể xác suốt một thời thơ ấu (Tuổi Thơ Khủng Khiếp, Thuốc Nào Cho Tôi Uống Để Quên, Mẹ! Con!). Là nỗi ám ảnh mà một đời chưa đủ để vượt thoát (Châm Ngọn Lửa Câm Lặng, Nửa Ổ Bánh Mì, Tôi Không Đi Nổi Trong Thế Giới Phẳng Này)... Nhưng trên hết, các tác giả đều đã thấy nghị lực phi thường của mình để vượt lên số phận và bên cạnh đó là những giọt nước mắt thầm lặng phải chảy ngược vào trong để dành cho người đối diện một nụ cười.
Không triết lý sâu xa, không khái quát cao rộng, những câu chuyện nhỏ mà không nhỏ này luôn cho người đọc một phút lắng đọng để rồi nghe lòng mình mềm ra, rưng rưng hơn mỗi khi gặp một người, vì biết đâu đằng sau nụ cười vô tư lại chẳng là một trời tâm sự. Chuyện đời tự kể không chỉ khiến người trong cuộc thanh thản, nhẹ lòng mà còn khiến người thương người hơn...
Mục lục:
Một giao lưu đồng cảm
Cây bông sứ nhà nội
Đứa con không mong đợi
...
Xóm "cave"