Khi một người nước ngoài hỏi Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Tại sao, một nhà giáo về sử học, về luật pháp, một trí thức do Pháp đào tạo, không qua một trường quân sự nào, lại là Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, đánh thắng nhiều kẻ xâm lược, giành độc lập, thống nhất cho đất nước?”, Đại tướng đã trả lời rằng: “Câu này xin hỏi chính Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, từ ngàn xưa chống lại phong kiến phương Bắc, cho đến hai thế kỷ XIX, XX chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là cuộc chiến đấu của một dân tộc văn hiến, giành và giữ nền độc lập cho Tổ quốc, tự do và phẩm giá con người, giữ gìn nền văn hóa dân tộc, giành lại hòa bình, mong muốn “tắt muôn đời chiến tranh”, không phải là cuộc “chém giết” hận thù tôn giáo, sắc tộc. Phải chăng, vì vậy việc trao quyền chỉ huy quyết định hàng trăm vạn sinh mạng “con dân, đầu đen, máu đỏ” trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc cho một nhà văn hóa là một quyết định chính xác, với tầm nhìn xuyên suốt không gian, thời gian của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với lịch sử cận đại và hiện đại Việt Nam, đặc biệt là lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.
Chính vì vậy, trên thế giới và ở Việt Nam đã có rất nhiều sách viết về Võ Nguyên Giáp. Theo Tiến sĩ Sử học Pháp A. Ruscio, người bạn của Việt Nam, đã lập một thư mục riêng về Võ Nguyên Giáp, thì đến nay đã có hàng trăm cuốn sách tiếng Pháp, Anh, Nga, Hán, Tây Ban Nha… với nhiều thể loại, đề cập đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng. Ở Việt Nam, ngoài những tập hồi ký, những luận văn quân sự - chính trị của Đại tướng, đã có các sách của nhiều tác giả, có cuốn dày trên 1.000 trang và rất nhiều những bút ký, ký sự, những nghiên cứu về Đại tướng đăng tải ở các báo, tạp chí, của nhiều nhà xuất bản.
Cuốn sách Đại Tướng Tổng Tư Lệnh Võ Nguyên Giáp - Đại Tướng Của Nhân Dân, Của Hòa Bình sẽ giúp bạn đọc có điều kiện tiếp cận, tìm tòi để hiểu thêm về phẩm chất, đạo đức, tính cách, tài năng, công lao cống hiến của Đại tướng và những tình cảm của nhân dân Việt Nam và các bạn bè, các nhà nghiên cứu thế giới đối với Đại tướng.
Cuốn sách gồm một số bài viết, bài nghiên cứu, phỏng vấn... của nhiều tác giả trong và ngoài nước, phần lớn đã được đăng trên các báo, tạp chí.
Cuốn sách gồm 4 phần:
- Phần 1: Giới thiệu tuổi trẻ và những năm tháng cuộc đời của Đại tướng, gồm những tư liệu gốc, tư liệu chuẩn xác, giúp bạn đọc hiểu một cách đúng đắn về cuộc đời Đại tướng. Đặc biệt có bản Sắc lệnh số 1 của Chủ tịch Việt Nam lâm thời Chính phủ dân chủ cộng hòa ngày 30/8/1945 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký thay Chủ tịch, cử ông Hoàng Minh Giám làm Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ.
Bản Sắc lệnh ngày 20/1/1948 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa: “Ông Võ Nguyên Giáp, Tổng Chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Tự vệ, thụ là cấp đại tướng kể từ ngày ký”. Sắc lệnh số 121/SL về tổ chức Bộ Tổng tư lệnh quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam, và Nghị định cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam.
Thư gửi các lực lượng vũ trang Việt Nam của Hồ Chủ tịch xác nhận sự tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “Anh cả” của quân đội, của các cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân và dân quân tự vệ.
- Phần 2: Gồm những bài của các tướng lĩnh, các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu, cán bộ, chiến sĩ quân đội và nhân dân viết về chiến công, đức độ của Đại tướng và lòng kính trọng đối với Đại tướng văn võ song toàn, vô vàn kính yêu.
- Phần 3: Những bài viết của các nhà nghiên cứu, bạn bè thế giới về Đại tướng.
- Phần 4: Đây là phần phụ lục, giới thiệu một số trong hơn 200 câu đối, bài thơ mừng Đại tướng - thượng thượng thọ của các cơ quan, đoàn thể, các địa phương, các cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ... Qua đây giúp chúng ta cảm nhận tình cảm, lòng kính trọng, biết ơn đối với Đại tướng.
Ngoài ra, cuốn sách còn giới thiệu một số ảnh của Đại tướng do hai nhà nhiếp ảnh lão thành của quân đội Trần Huy Khuông và Trần Hồng cung cấp.