Tôi có cái tật chuyện gì cũng muốn biết và cố gắng biết cho đến cùng. Cho nên phải đi hỏi và luôn thấy chưa đủ. Chuyện học Huế của tôi là như thế. Đến khi bước vào nghề báo, tôi thích nhất là được gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi với các nhân vật đương thời để ghi lại một chuyện có thể sắp đi qua, hoặc để làm rõ những vấn đề chưa rõ, khám phá những cái mới để kéo những chuyện xa về gần và tán phát những chuyện gần thú vị ra xa. Đôi lúc cũng chen thêm một chút tò mò như hỏi Nhạc sĩ Phạm Duy ông "biết ái tình ở dòng sông Hương" vào lúc nào và với ai (?).
Chuyện gần như người có bộ tiền cổ vô giá ở Gia Hội, chuyện xa "Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê "ươm mầm nẩy lộc" tại Việt Nam, đơm hoa kết trái trên đất Pháp. Cùng "đơm hoa kết trái" bên trời Âu còn có Giáo sư Lê Thành Khôi, Nghệ sĩ điêu khắc Điềm Phùng Thị, Nghệ sĩ vẽ truyện tranh Vink, Tiến sĩ Sử học Thu Trang Công Thị Nghĩa.
Và, không chỉ phải sang châu Âu mới được như thế, ngay trên đất Việt, trong những tháng năm cực kỳ gian khổ vẫn tỏa sáng những con người được thế giới biết đến: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Đạo diễn Đặng Nhật Minh, Dịch giả Bửu Ý.
Là một người cầm bút xuất thân trong Phong trào đấu tranh yêu nước ở các đô thị miền Nam và Kháng chiến chống Mỹ, tôi rất hân hạnh được ngồi giữa trời đất hòa bình hỏi chuyện nhà văn hoạt động cách mạng Vũ Hạnh, hỏi chuyện nhà hoạt động cách mạng cầm bút Trần Bạch Đằng, các vị đã nghĩ, đã làm việc, đã chiến đấu... như thế nào, hỏi nhà quân sự Đặng Văn Việt "người đầu tiên treo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ Kinh đô Huế" mang một ý nghĩa lịch sử ra sao (?).
Xin trân trọng giới thiệu!