Khi gặp phải một sự cố nào đó trong cuộc đời, khi người ta cảm thấy bơ vơ, chông chênh không điểm tựa, người ta thường hay tìm về với Phật, cầu mong một sự hóa giải khai tâm, rời xa tất cả mọi lo toan nhiễu nhương trần thế.
Tác giả của Đi Để Mà Đi cũng vậy, sau sự ra đi của hai người thân trong gia đình, chị dần cảm nhận thấy một góc sâu thẳm trong tâm hồn mình rất khác, rất cần một chốn bình yên, một điểm tựa để được bình an, thanh thản. Và như một cơ duyên, chị lên đường tìm về với Phật, cũng từ đó mà cuốn sách này ra đời.
Đi Để Mà Đi gần như là một quyển nhật ký, ghi lại hành trình tìm về với cội nguồn Phật pháp và những chuyển biến tâm linh của tác giả trên hành trình ấy. Cuốn sách lần lượt đưa người đọc đến với các buổi thiền, tới thăm những thành phố, những ngôi chùa, những khu vườn, dòng sông... nơi ghi lại những dấu tích đầu tiên của Đạo Phật. Đến Myanmar thăm chùa Vàng và hành thiền Minh Sát tại thiền viện Mahashi,... Đến Ấn Độ thăm Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật thành đạo, thăm Nalanda, trường Đại học Phật giáo đầu tiên, ngắm bình minh trên sông Hằng và trải nghiệm một góc nhìn rất khác về đất nước vẫn được coi là cái nôi của Đạo Phật,... Đến Nepal thăm vườn thiêng Lumbini, nơi Đức Phật đản sinh, thăm Việt Nam Phật Quốc Tự, thủ đô Kathamandu,... Trong suốt hành trình ấy, tác giả ghi lại những suy nghĩ, cảm nhận của mình về con người, về địa danh, về hành thiền, về cuộc đời, về những chuyển biến trong nội tâm và tâm linh của tác giả.
“Người đã ở nơi đây
Lâu hơn Thời Gian có thể
Cho tôi biết tại sao, tôi có mặt trên đời?
Gặp gỡ người hôm nay
Tôi, một kẻ cùng quẫn,
Lang thang khắp sáu nẻo,
Lạc mất lối đi về...”
Đi Để Mà Đi gồm nhiều bài viết nhỏ được viết với giọng kể giản dị, đi kèm với những hình ảnh đẹp và khơi gợi nhiều suy ngẫm về những nơi mà người viết đã đi qua. Cùng với đó, tác giả cũng trích dẫn một số tư liệu về Phật pháp, giúp người đọc có được những góc nhìn bao quát và đa dạng hơn.
Đi Để Mà Đi là một cuốn sách đặc biệt. Đặc biệt bởi viết về chủ đề Phật giáo nhưng tác giả của nó không phải là một nhà nghiên cứu về Đạo Phật hay một thiền sư nào, mà là một người bình thường, một người phụ nữ đang bước những bước đầu tiên trên con đường tìm về với vô ngã vô ưu. Đặc biệt vì, dù là một cuốn sách du ký nhưng những địa danh trong Đi Để Mà Đi không phải là những nơi nổi tiếng bởi sự kì vĩ tráng lệ hay các khu vui chơi sầm uất và những món ăn ngon, mà là những địa danh trầm mặc, xưa cũ, những nơi tưởng như xa lạ nhưng kì thực lại gần gũi vô cùng với sâu thẳm tâm can của cõi người.
Tất cả mọi người, đặc biệt là những ai đang muốn tìm hiểu về Đạo Phật, sẽ tìm thấy những điều rất ý nghĩa và có giá trị từ cuốn sách này.
Trích đoạn
”Mẹ chờ đợi từ sáng sớm, đi chợ nấu đồ ăn để sẵn, tôi loay hoay sọan đồ đạc rồi nhanh chóng đến nhà nội thắp nén nhang lần cuối sau đó vội vã ra phi trường. Mẹ im lặng suốt dọc đường đi, đôi mắt đỏ hoe như chực trào. Tôi cố pha trò nói chuyện bâng quơ cũng để cố ngăn dòng nước mắt của chính mình.
9h10’ pm tôi đến Hà Nội. Vì quên nói với người đặt vé là có hai suất ăn chay nên tiếp viên họ không chuẩn bị sẵn, thành ra chỉ ăn được chén chè bắp và uống hai ly nước lạnh cầm hơi. Ngẫm nghĩ đâu đó có một vài thứ trong cuộc sống được hình thành một lần rồi biến mất, giống như chiếc ly khắc nhãn hiệu VN Airline này vậy, suốt cuộc đời nó chỉ dành cho một hành khách rồi bị vứt đi vì nguyên tắc vệ sinh an toàn hàng không. Nghĩ đến công đoạn và thời gian để hoàn thành nó rồi phải mất bao nhiêu lâu nó mới đến được với mình quả là một điều thú vị, không biết từ lúc nào tôi có thói quen nhìn một vật rồi suy xét đến tận cùng gốc rễ của nó đến như vậy, để rồi chợt nhận ra một điều rằng tất cả đều do nhân duyên mà hội tụ, duyên hợp thì thành, hết duyên thì tan rã.
Trên máy bay tôi được ngồi kế bên cạnh một chị giọng miền Tây rất xinh, có người yêu ở tận Hà Nội. Chị nhiệt tình hướng dẫn cho tôi các chỗ khách sạn giá rẻ và những chỗ cần đi, cũng may là có người giúp chứ trời tối rồi, đường xá thì cũng không rành, trời thì rét đậm chỉ khoàng 13độC mà vác thân đi tìm nhà trọ chắc chết cóng. Đây không phải là lần đầu tiên tôi ra HN, lần trước cách đây 2 năm tôi có ra chơi 1 lần nhưng chỉ quanh quẩn ở HN và vì có người bạn thân ở đây nên không sợ vấn đề nhà cửa, nhưng lâu rồi mất số điện thoại không liên lạc được, lại quên mất số nhà ngày xưa nên thành ra lần này sẽ hơi vất vả đây.
Chúng tôi tìm được phòng trọ cách xa trung tâm thành phố 15 phút, giá tầm 300 ngàn/đêm. Chị bảo tôi phòng trọ như thế này làm sao mà ở nổi, tôi thì chỉ muốn tiết kiệm tối đa, vả lại du lịch như thế này cũng có cái hay riêng của nó, chấp nhận thương đau ăn bờ ngủ bụi cho ra vẻ phong trần phiêu bạt một chút vậy mà. Nhiều khi du lịch mà ở khách sạn 5 sao, ăn sơn hào hải vị, mọi việc được sắp xếp kỹ càng có người đưa kẻ đón thì còn gì là thú vị. Nói là vậy nhưng nếu có chút đỉnh tiền rỉnh rang thì cũng nên đối xử bản thân mình tử tế một chút. Riêng tôi thì ở nơi sang trọng, ăn ngon, mặc đẹp thì cũng nếm trải hết rồi, vả lại từ lúc tập tành học theo hạnh Bồ Tát thì cố gắng xả bỏ từ từ những ràng buộc của tham ái.
Nghĩ lại Đức Phật ngày xưa cũng từng là vị thái tử với đầy đủ vàng bạc mà từ bỏ tất cả để vào rừng sâu khổ hạnh tìm Đạo cầu Pháp, người ra đi với chỉ hai bàn trắng ấy thôi, còn chúng ta ngày nay thì ngược lại, lại đi tìm cho mình những thứ mà Ngài đã vứt bỏ, nhờ nghĩ vậy mà ý chí tôi cũng mạnh mẽ hẳn lên, vả lại thời buổi bây giờ đi đến nơi này nơi kia đã có máy bay, taxi, muốn ăn thì vào hàng quán, điều kiện cũng tương đối quá đầy đủ chứ đâu phải cực khổ mà sợ.
10’30pm nhận phòng, có nước nóng, không lò sưởi, mang tạm đôi vớ vào rồi lập tức chung vào chăn (ra HN thì phải gọi là chăn, chứ gọi mền ai mà biết nhỉ). Trời rét đậm, mới xa nhà có bao xa mà thèm lắm cái ấm áp của miền Nam thế này.
Những giấc mơ
1/2/2012
Đêm qua thật sự là một ác mộng, tôi lại mơ thấy toàn ma quỉ xung quanh mình, không gian mờ ảo tựa như địa ngục, chắc nghiệp cũ của tôi còn quá nặng nề chăng?
Tôi nhớ có lần đọc được đâu đó trong Kinh sách Phật giáo giải thích về các hiện mơ trong khi ngủ đều có liên quan đến nghiệp thức của mỗi người, có thể nói rằng những hành nghiệp mà chúng ta tích lũy thông qua lời nói, hành động suy nghĩ vốn không hề mất đi mà lưu trữ trong một kho dự trữ khổng lồ vô thức từ nhiều kiếp trong quá khứ.
Kho dự trữ này trong Duy Thức học của Phật giáo gọi là tạng thức hay thức thứ 8, tạng thức này có chức năng như bộ nhớ (memory) của máy vi tính, tàng trữ tất cả những nhận thức của chúng ta có được. Thức thứ 7 thì được xem như bộ xử lý (DOS) của máy vi tính, có chức năng truyền tải ý thức, ý thức là thức thứ 6 là những gì chúng ta nhận diện, phân biệt điều đúng sai, trái phải, 5 thức còn lại dựa trên 5 giác quan: mắt (nhãn), tai (nhĩ), mũi (tĩ), lưỡi (thiệt), thân. Ví dụ như khi mắt chúng ta nhìn thấy trái cam, phần thức của mắt liên hệ với ý thức sẽ cho biết rằng đây là trái cam mà không phải trái xoài, lúc đó thức thứ 7 sẽ truyền tải sự nhận biết này đến thứ thứ 8 và lưu trữ trong đó hình ảnh của trái cam. Giấc mơ cũng giống như vậy.
Khi cơ thể chúng ta đi vào giấc ngủ, cũng là lúc 5 thức mắt, tai, mũi, lưỡi và thân tạm nghỉ ngơi, riêng mỗi thức thứ 6 tức ý thức vẫn còn hoạt động, ý thức này tự động kết nối với những dữ liệu trong thức thứ 8, thông qua thức trung gian thứ 7, kết quả là cho ta có những giấc mơ. Những giấc mơ đôi khi rời rạc, biến hóa khôn lường là do sự vận hành liên tục không ngừng nghỉ của kho tạng thức này, điều này đưa tới sự giải thích cho những giấc mơ về những điều chưa từng gặp, chưa từng nghĩ tới vì nó bao gồm các dữ liệu của nhiều kiếp sống về trước.
Tôi thường hay ghi lại những giấc mơ của mình đề lâu lâu xem lại có thể lục lọi được điều gì trong quá khứ không, tuy nhiên lần nào khi thức dậy xong nếu không nhớ ghi xuống thì một vài tiếng sau đó lại quên bén đi hết.
Ngày hôm nay mọi thứ điều không suông sẻ như ý định, mướn chiếc xe Honda chạy lòng vòng một hồi thì bị xẹp bánh xì hơi giữa đường. Việc xui thứ hai là vấn đề xin visa đi Myanmar, trong khi bên công ty bán vé đòi hỏi tôi phải có visa thì mới cho đặt vé, còn bên lãnh sự thì yêu cầu có vé hai chiều rồi mới cho visa. Cuối cùng, đành phải chạy về khu Tây ba lô tìm một chỗ chuyên làm visa đi Myanmar nhờ họ làm giùm mà không cần phải book vé trước gì hết trội, kể cũng lạ.
Đành phải chờ thêm 1 tuần nữa để lấy visa.
P/S: Ai ra Hà Nội thì xin giới thiệu đến nhà khách HANOI BACKPACKER HOSTEL giành cho dân du lịch bụi. Giá chỉ mỗi $9/đêm, được ăn sáng miễn phí, giảm nữa giá pizza. Nhà tắm toilet sạch sẽ chỉ có mỗi tội ngủ chung phòng với các cặp đôi khác, âu cũng là dịp để mình làm quen và học hỏi các bạn từ bốn phương cùng chung chí hướng: lang thang và tiết kiệm tới mức tận cùng ngõ hẹp.
Huyền thoại Hạ Long, 3/2/2012
Hôm nay trời tiếp tục mưa lâm râm, âm u không có chút nắng cộng thêm cái lạnh thấu xương vào da thịt, cũng may là đã trang bị sẵn một vài đôi tất, hai áo choàng mùa đông mua được hôm qua ở chợ Đồng Xuân. Trong khi chờ xe bus đến đón đi tham quan Vịnh Hạ Long, tôi nhâm nhi tách cafe sữa, nhìn ra khung cửa sổ, bất chợt thấy thương quá những người đi bán bông dạo, những cành đào còn xót lại của dịp Tết, rồi những ông cụ đạp xích lô, người chạy Honda ôm đang oằn mình trong cái lạnh. Bỗng thấy kiếp người mong manh quá, vướng bận ràng buộc vào thân thể này. Trời lạnh phải mặc áo cho nó, đói phải cho nó ăn, khát nước phải cho nó uống, vậy mà vẫn chưa được yên, lo cho cái thân chưa đã xong, lại thêm ràng buộc bởi vợ chồng, con cái, có như vậy mới được gọi là tròn nhiệm vụ của phận làm người. Sao mà con người luôn tự đặt mình vào những vòng tròn lẩn quẩn không có lối thoát như thế.
Đang mải mê chạy rong ruổi theo những suy nghĩ thì có người gõ cửa thông báo xe bus đang chờ đợi phía dưới, leo lên xe, một tiếng sau thì đến bến thuyền Hạ Long, lại tiếp tục leo lên thuyền, bốn tiếng nữa thì tới Vịnh. Những gương mặt trên thuyền gồm 12 người như đã hẹn nhau từ lâu, tụ tập về lại đây trong giây lát rồi vội vã tiếp tục cuộc hành trình của riêng mình. Các thuyền viên thì phục vụ khách như để lấy lệ, hiếm khi thấy họ nở nụ cười như lời mời quảng cáo trong tour du lịch, trời rét lạnh nhưng nhất quyết không bậc lò sưởi, vậy mà đoạn cuối vẫn không quên bỏ phong bì trên bàn với dòng chữ: “Tips for careness! Thank you”.
Đêm, ngồi bên trong khoang tàu, nhìn qua khung cửa sổ, thì thầm với núi non, thấp thoáng xa xa, từng cụm sương mờ ôm phủ lấy bờ Vịnh, tự mình đặt câu hỏi:“ Người đã ở nơi đây, lâu hơn Thời Gian có thể, cho tôi biết tại sao, tôi có mặt trên đời? gặp gỡ người hôm nay? Tôi, một kẻ cùng quẫn, lang thang khắp sáu nẻo, lạc mất lối đi về...”
“Tôi, một kẻ cùng quẫn, lang thang khắp sáu nẻo, lạc mất lối đi về...”
Tôi buồn, tôi giận, tôi sân…5/2/2012
Tôi đang ngồi dưới chân núi chùa Hương. Trong khi chờ đợi mọi người trong đoàn xuống núi ra về thì tôi tranh thủ viết vài dòng. Sáng nay thức dậy tôi đã rất hào hứng cho chuyến đi này, hình dung mình được ngồi trên thuyền giữa dòng sông thơ mộng, phong cảnh núi non hùng vĩ, cảm giác lúc đó thật dễ chịu và vui sướng biết bao. Nhưng đến khi bước xuống thuyền, leo lên núi thì hỡi ôi đập vào mắt hai bên lề đường là các hàng quán thịt chó, thịt heo quay, thịt nhím, v.v… treo lủng lẳng dọc lối đi vào, máu tươi vẫn còn nhỏ từng giọt, tự nhiên tôi cảm giác buồn không thể tả được, cái cảm giác hân hoan “Em Đi Chùa Hương” hoàn toàn biến mất.
Lên đến gần chánh điện thì còn kinh khủng hơn nữa, vẫn là cảnh nhốn nháo tấp nập của các hàng kinh doanh quán ăn rồi đủ các loại vàng ròng giấy mã bày bán khắp nơi. Đến lúc này thì tôi chỉ muốn quay về bởi trong đầu vốn cứ hình dung ra khung cảnh sông núi, bốn bề trang nghiêm thanh tịnh nào ngờ…Hầu hết khách du lịch trong đoàn của tôi đều lắc đầu buồn bã và cũng là lúc mà hình ảnh đất nước con người Việt Nam hiền hòa thân thiện ít nhiều bị phai một trong tâm trí của họ.
Đến giờ ăn trưa mọi người trong đoàn theo đúng lịch trình ghé vào một nhà hàng đã được bên công ty đặt sẵn. Tôi dáo dác nhìn quanh mà tìm mãi không ra được một quán ăn chay. Tôi khoác tay nói mọi người cứ vào ăn, tôi đứng chờ ở phía ngoài, anh trưởng đoàn nói trong quán họ cũng có làm đồ chay. Tuy vậy làm sao mà bạn có thể bước vào ăn cho nổi khi mà hình ảnh thịt trâu, chó, nhím, gà treo lủng lẳng ở phía trước, máu tươi còn nhỏ thành từng dòng. Mua vội một vài củ khoai mì ăn tạm mà nuốt cũng không trôi nổi bởi mùi tanh của máu nhang nhảng khắp nơi.
Những ngày lễ hội kéo dài cả tháng thế này, súc vật và gia cầm bị giết rất nhiều, thầm nghĩ lễ hội cần bình an cho gia đình, mạnh khỏe cho người thân mà đổi lại giết hàng trăm mạng chúng sanh như vậy, chúng ta có nên chăng ?
Những ai không phải hay chưa phải Phật tử thì không nói, còn nếu chúng ta nói mình là Đạo Phật thì nên ghi nhớ rằng Đức Phật có 5 giới luật giành cho hàng Phật tử tại gia, 5 giới luật này được nêu ra khi chúng ta Quy Y Tam Bảo (Quy y Tam Bảo có nghĩa là quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng) trong đó có giới không được sát sanh. Năm giới bao gồm: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không được uống rượu. Ở đây chúng ta chỉ bàn đến giới sát sanh.
Sỡ dĩ Đức Phật cấm sát sanh vì nhiều lý do:
Thứ nhất là tôn trọng sự bình đắng: Chúng ta hay quen thói cống cao ngã mạn cho rằng con người là loài có trí huệ thông minh bậc nhất, cho nên chủ trương cho rằng các loài động vật khác được sanh ra là để phục vụ cho con người, tuy nhiên mình đã biết quý trọng thân mình thì tại sao lại chà đạp lên sanh mạng của kẻ khác, giết hại sanh mạng kia để bồi dưỡng cho sanh mạng này là một điều ác, vì khi một con vật bị đập đầu hay thọc huyết đều thể hiện sự phản kháng và đau thương tột độ bằng những tiếng kêu gào cầu cứu xin tha mạng. Tất cả mọi loài động vật theo bản năng sinh tồn đều biết sợ hãi, tham sống và sợ chết như con người, nên chúng ta chẳng có quyền gì để tước đoạt đi mạng sống của chúng cả. Hãy để chúng sống và chết đi trong quy luật của tạo hóa và sinh diệt, như chính chúng ta vậy.
Thứ hai là tôn trọng Phật tánh bình đẳng: Phật tánh ở đây tức là tánh giác ngộ ở mỗi người, mỗi loài, qua sự thực chứng và thấu biết của Đức Phật, Ngài nhìn thấy tất cả chúng sanh tuy thân hình khác nhau nhưng đều có tính Phật tánh, sát hại một sanh vật tức là giác hại Phật tính của cá nhân đó.
Thứ ba là nuôi dưỡng lòng từ bi: Khi chúng ta đem tâm sát hại sanh mạng có nghĩa là lòng ác đã tột đỉnh, tâm từ bi sẽ bị bóp chết, để tiến đến con đường giải thoát mọi khổ đau và sống an vui thì từ bi phải có mặt, giết chết lòng từ bi là giết chết hạt giống thiện lành trong chính tâm hồn chúng ta. Lòng từ bi cần có mặt khắp mọi nơi mà không nhất thiết chỉ có ở tôn giáo.
Thứ tư là tránh được luật nhân quả báo ứng: Trong Kinh Lăng Già, Đức
Phật nói rằng “Người thường tâm sát hại, càng tăng trưởng nghiệp khổ, mãi xoay vần trong vòng sanh tử, không có ngày ra khỏi”. Khi con vật sắp bị giết, chúng vùng vẫy kêu la thảm thiết, lúc đó trong cơ thể chúng phóng ra một loại độc khí của thù hận, oán hờn, sợ hãi thấm vào từng thớ thịt tế bào của chúng. Khi chúng ta ăn vào, độc tố ấy lan truyền theo vào cơ thể, mỗi ngày tích tụ càng nhiều, khối oan gia ấy ngày càng lớn, chính vì thế gây cho chúng ta đủ thứ loại bệnh kỳ lạ hoặc tính tình nóng nảy, tinh thần luôn sống trong bất an và sợ hãi. Nếu không giết hại thì thân tâm ta sẽ được thư thới nhẹ nhàng, giấc ngủ được an lành và nét mặt hiền hòa trong sáng. Cần phải lưu ý rằng giết một con vật lớn vì vô ý hay tự vệ thì cái quả của nó nhẹ hơn là giết một con chuồn chuồn với ác ý giết cho vui tay.”