Cuốn sách này là hồi ức - đã được ấp ủ từ lâu - của bạn tôi, nhà điêu khắc Trần Luân Tín.
Năm 1965 tôi và Tín cùng nhập học vào trường Cao đẳng Mỹ Thuật Việt Nam khi đó đang sơ tán ở Hà Bắc... Tín 14 truổi, còn tôi mới 11... Hai thằng nhóc đã cùng ngủ chung trên cái giường cá nhân bé tí, trong căn nhà cũng bé tí của một gia đình nông dân nghèo, suốt 7 năm trời.
Những năm cuối của cuộc chiến tranh, đứa trước dước sau lần lượt nhập ngũ. Tín đi trước, làm lính thông tin ở mặt trận Quảng Trị, rồi đến lượt tôi, lính bộ binh, vào Kon Tum.
Gần 30 năm sau, như sự run rủi của số phận, hai đứa lại ở gần nhau, khi tóc đã điểm bạc. Rất nhiều việc để chia sẻ, nhiều câu chuyện để kể cho nhau nghe, nhưng ấn tượng nhất, sâu đậm nhất vẫn là chuyện về những năm chiến tranh... với tất cả sự đồng cảm của những người bạn từng sống bên nhau thời niên thiếu và từng là lính vào sinh ra tử...
Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình
Trích đoạn:
Năm 1971 miền Bắc lụt một trận rất lớn.
Tôi nhận giấy báo nhập ngũ khi đang cùng khoa điêu khắc của trường Mỹ thuật dựng tượng đài ở Ninh Giang Hải Dương. Những ngày này trời mưa tầm tã, làng quê ướt đầm đìa. Bọn học trò không có việc làm, suốt ngày chơi bài, đọc sách hoặc là nghêu ngao hát.
Thầy Phước Sanh nói với tôi: “Em về thăm nhà đi, rồi sắp xếp lên Hà Nội cho kịp ngày nhập ngũ”.
Tôi đạp xe về thị xã Hải Dương, cái bánh xe nhỏ xé làn nước lấp xấp trên mặt đường đất. Mưa giăng kín trời. Về đến nhà buổi chiều thì xẩm tối, con nước lớn ập đến. Nước sừng sừng dâng lên, nhanh chóng ngập lút hết tầng trệt của tất cả các ngôi nhà. Đêm xuống, phố phường soi bóng trên mặt nước mầu nâu bạc.
Sáng hôm sau con nước lắng lại, nó lờ lững oai vệ dạo quanh. Thuyền bè bắt đầu xuất hiện, đông dần, rồi líu ríu ngang dọc trên lưng nước như trẩy hội.
Xuồng của công an đi giữ trật tự trên sông phố. Người cảnh sát quần áo ướt nhèm, một tay nắm chặt mạn xuồng để giữ thăng bằng, một tay cầm loa pin oang oang truyền lệnh: “ Chú ý, chú ý… thuyền bè đi về phía tay phải. Đề nghị bà con chấp hành, chống xuồng đi về phía tay phải… để tránh tai nạn giao thông!”
Vắng công an là có đua xuồng. Xuồng tự tạo bằng mọi thứ vật liệu có thể nổi, nên chúng quay vòng là chính, tiến lên thì không mấy. Tiếng cười sặc, tiếng hò la vang động.
Căn nhà của Má tôi không có tầng nào, nước dìm nó xuống gần như mất hút, chỉ còn lại cái tam giác của mái nhà lộ ra. Phải bắc ván qua hai đầu tường, lót thành một cái sàn rồi lom khom ở trong đó.
Hơn hai tuần trôi qua, không hề có giấu hiệu con nước sẽ rút.
Rồi một tuần nữa trôi qua, nước như là không có ý định trả lại mặt đất cho người, nó lì lợm đến mức đứng im, không chuyển động
Tôi nói với Má tôi:
- Chắc con phải bơi về Hà Nội thôi Má.
Má thở dài:
- Đợi thêm vài ngày, chứ xa lắm, rắn rết nhiều lắm. Để hỏi xem có thuyền bè chở khách thì đi.
Sốt ruột, tôi ra bưu điện báo cho nhà trường. Bưu điện của thị xã mở cửa trên tầng hai, lối vào là cửa sổ. Tôi cặp bè rồi leo qua cửa, nhẩy lên chiếc ghế băng dài, đi trên ghế thẳng tới bàn của chị điện báo viên. Có vài người mặc quần đùi, đeo cặp táp, thõng chân xuống nước ngồi đợi đến lượt mình được tiếp. Ngoài đường lịch kịch tiếng thuyền bè đụng nhau, tiếng người rơi ùm xuống nước, tiếng cười nói ý ới.
Gửi được vài dòng chữ cho nhà trường, cũng đỡ nóng ruột hơn một chút. Nhưng ba ngày nữa trôi qua, nước vẫn không chịu rút. Nhà cửa, cây cối và con người cứ từ từ mỏng vơi đi, tái bạc đi.
Ở cầu Cất, người ta mới thiết lập tuyến ca nô Hải Dương – Hà Nội. Thế là đã đến lúc phải lên đường.
Hôm ấy thằng Vinh em tôi chống hai chuyến bè mới chở hết cả nhà ra cầu. Trời lất phất mưa, mây rất nặng.
Tôi bước xuống chiếc ca nô gỗ chao chiêng, nhìn lên cầu. Ba tôi, Má tôi, hai đứa em tôi đứng trên đó. Phía sau là những đám mây màu chì và một khoảng trời rợ lên màu sáng bạc. Cả nhà đưa tay vẫy… miếng vá trên vai áo của Má, hơi ấm những củ khoai luộc bên hông tôi, những giọt mưa gõ lộp bộp…
Đến bây giờ tôi còn giữ được mấy câu thơ viết trước lúc ra đi:
Con đi Ba Má nhé
Hai mươi năm tròn trịa
Con gói trong lòng
Và những ước mong
Con đem theo ra trận.
Kể gì một chút thời gian
Của cuộc đời khao khát
Nhưng muôn năm
Là hạt kim cương
Hỡi những giọt thời gian
Ngắn ngủi bình thường.
Con nhớ tất cả Ba Má ạ
Từ khi trí óc con và tâm hồn con
Biết nhận những gì con yêu
Thành kỷ niệm
Ôi những ngày lưu luyến
Cháy se lòng…
……