Với tôi, Hà Quang Minh là một hảo thủ trẻ tuổi, hiếm hoi mà chúng ta có được, trong sân chơi văn học, nghệ thuật Việt hôm nay.
Sau nhiều năm quan sát, theo dõi nghệ thuật dẫn banh bay bướm của họ Hà, (dù ở bất cứ vị trí nào trên sân cỏ), tôi thấy tôi không thể không ghi nhận:
- Hà Quang Minh luôn tạo những tình thế bất ngờ; đưa tới những kết quả làm bàn, tung lưới ngoạn mục!
Tôi muốn nói, từ thi ca tới âm nhạc, từ tùy bút tới truyện ngắn, từ bình luận bóng đá trên màn ảnh nhỏ, tới những tản mạn văn học, xã hội... ở lãnh vực nào, Hà Quang Minh cũng xuất hiện như một chân dung ứng hợp, tương thích nhất.
Vì thế, tôi không ngạc nhiên, nếu không muốn nói là hân hoan, khi được biết tác phẩm "Chân Dung" của Hà Quang Minh, viết về 30 tên tuổi, 30 tài năng của nền văn học, nghệ thuật Việt, trên dưới nửa thế kỷ qua.
Tôi vẫn nghĩ, khi tạo ra con người, Thượng đế đã cho mỗi sinh linh, một chỉ dấu nhận dạng. Để người này không thể hoàn toàn giống người kia. Từ phương diện thể chất đó, mỗi chúng ta có cho riêng mình một ID. Một thẻ nhận dạng!
Nhưng tới hôm nay và, muôn đời sau, dù khoa học tiến bộ tới đâu, nhân loại cũng sẽ không thể có một tiêu chí tổng quát để phân loại, lập bảng và, cấp thẻ nhận dạng / ID cho những tài nàng văn học, nghệ thuật. Đó là một cõi-giới khác.
Cõi-giới của tâm hồn. Rung động. Trăn trở. Lao lung.
Cõi-giới của những tài hoa biệt lập. Những núi cao và, vực sâu.
Cõi-giới của sáng tạo. Bí nhiệm.
Nên, không phải bất cứ ai cũng có thể phác họa chân dung những tâm hồn, những tài hoa biệt lập. Hay, những núi cao, vực sâu đó.
Để nhập được cõi-giới của những sáng tạo bí nhiệm, hầu tự đó, lập bảng phân tích, chi dấu nhận dạng mỗi tài hoa, theo tôi, người viết phải có khả năng phân thân và, mức độ cảm thụ tương thích với đặc tính mỗi thổ-ngơi văn học, nghệ thuật (vốn khác biệt gay gắt, quyết liệt) ấy.
Một buồng phổi bình thường, sẽ ngạt thở, trước hơi sương của trời, độ ẩm của đất, khi liều lĩnh dấn mình trong thổ-ngơi sáng tạo kia.
Một trái tim nhạy cảm, rung động ở mức độ bình thường, sẽ trụy tim, ngay tự những bước thứ nhất, thăm dò nguồn, mạch sáng tạo.
Bởi đấy là những những khơi mạch, những đào xới thân phận, những cật vấn tử/sinh, những đối đầu truy tìm bản thể giữa thượng đế và, con người...
Vì thế, theo tôi, chúng ta không có nhiều chân-dung-nhận-diện những-chân-dung.
Vì thế, (tôi lập lại), tôi không ngạc nhiên, nếu không muốn nói là hân hoan, khi được biết tác phẩm "Chân Dung" của Hà Quang Minh (một tác phẩm mang tính thử thách lớn), viết về 30 tên tuổi, 30 tài năng của nền văn học, nghệ thuật Việt, trên dưới nửa thế kỷ qua.
Và, cũng vì thế, tôi xin bạn đọc đừng quên họ Hà, là "chân dung" thứ 31 của tác phẩm này.
Nói cách khác, Hà Quang Minh chính là "chân dung" của những "chân dung" vậy.
Du Tử Lê