Tiến sĩ triều Lê, Thân Nhân Trung đã từng nói rằng: "...Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn...”.
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã có biết bao nhiêu hiền tài, họ đã đóng góp rất lớn cho đất nước trên nhiều lĩnh vực: Dựng nước, giữ nước và chấn hưng đất nước...
Trong cuốn Hiền Tài Đất Việt này được chia làm 3 phần: “Trạng nguyên Việt Nam”; “Võ tướng Việt Nam” và “Các nhà khoa học Việt Nam”.
- Phần “Trạng nguyên Việt Nam” được biên soạn dựa vào danh sách Trạng nguyên trong công trình "Các nhà khoa bảng Việt Nam" gồm 56 Trạng nguyên (kể cả 7 nhân vật đỗ thủ khoa từ năm 1246 trở về trước, khi vẫn chưa có danh hiệu Trạng nguyên và 49 Trạng nguyên).
- Phần “Võ tướng Việt Nam” bao gồm các võ tướng trong thời phong kiến Việt Nam đã có công rất lớn trong các cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập, chủ quyền cho đất nước. Đó là những vị võ tướng từ thời Hai Bà Trưng cho đến những vị võ tướng của triều Nguyễn đã đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Trong số các vị võ tướng đó, có cả những người ban đầu là võ tướng, sau đấy đã lên ngôi vua lãnh đạo đất nước.
- Phần “Các nhà khoa học Việt Nam’’ bao gồm các nhân vật đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học cho đất nước, kể cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Họ gồm các nhà khoa học trong thời phong kiến như: Lê Văn Hưu, Tuệ Tĩnh, Hồ Nguyên Trừng, Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú... và các nhà khoa học giao thời giữa Nho học và Tây học như: Cao Xuân Huy, Hồ Đắc Di, Trần Huy Liệu, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khác Viện, Trần Đại Nghĩa, Trần Đức Thảo, Lương Định Của... Các nhà khoa học trong giai đoạn này đã học tập, trưởng thành trước Cách mạng tháng Tám và sau đó có rất nhiều cống hiến cho đất nước trong giai đoạn kháng chiến của dân tộc ta.