"Đây là cuốn sách được viết bằng tâm huyết của học giả Vương Hồng Sển với nửa thế kỷ say mê nghệ thuật cải lương Nam Bộ với tất cả tấm lòng và trái tim.
Lúc trước Vương Hồng Sển là một công chức, nhưng sau ông về hưu sớm để chuyên tâm về văn nghệ. Cuốn sách của Vương Hồng Sển in lần thứ nhất vào năm 1968. Cuốn sách này đặc biệt ở chỗ: tác giả không nói nhiều về đời tư mà đề cập đến lịch sử cải lương Nam Bộ từ ngày sơ khai đến thời hoàng kim, cực thịnh qua cái nhìn, cách sống của một con người yêu môn nghệ thuật này.
Tác giả tự nhận là mê cải lương, tuồng tích, đào kép với sự bồng bột năm 12 tuổi lẫn cái xao động năm 16 tuổi và sự say mê của cả một đời người. Tuy vậy, cái sự "mê" của cụ Vương rất có bài bản và ý thức rõ ràng trong việc phải lưu giữ trên trang viết những gì ông trải qua, được chứng kiến về một giai đoạn phát triển đặc biệt của cải lương. Một giai đoạn đã trôi qua và không bao giờ trở lại trong lịch sử văn hóa của dân tộc.
Ông giữ cả từng tấm vé, thiệp mời đi xem hát, tấm quảng cáo lịch trình giờ diễn, thiệp mời. Ông chọn lọc tư liệu, sưu tầm báo chí, truyện kể, giai thoại nói về gốc tích hát bội, cải lương ở miền Nam. Hàng trăm nhân vật nổi tiếng của ngành nghệ thuật này như: Năm Phỉ, Tư Út, cô Bảy Phùng Há, Năm Châu, Thành Được, Út Bạch Lan... qua sự giáo tiếp, quan sát, cảm nhận của Vương Hồng Sển mở ra nhiều điều khá thú vị.
Những đêm đàn ca hát xướng, các câu chuyện về những người của một thời như: Hắc công tử, Bạch công tử, cô Ba Trà sắc nước hương trời... cũng được nhắc đến, gợi nhớ về một giai đoạn "vó xưa xe ngựa hồn thu thảo", khi mà cải lương ăn sâu vào đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân miền Nam.
Qua từng trang sách còn hiện lên một Sài Gòn xưa với lối ứng xử, cách sinh hoạt, văn hóa đặc trưng. Đây quả thực là một kho tư liệu sinh động, tập hợp được một số hình ảnh, nhiều bài hát cổ, và nhiều tư liệu về rất nhiều ban hát, gánh hát kiếm sống nổi danh trên đất Sài Gòn, Nam kỳ lục tỉnh.
Vương Hồng Sển cho rằng 50 năm mê hát chỉ là cuốn sách để "Mình nói mình nghe" và "biết bao nhiêu, nói bấy nhiêu". Nhưng những gì ông kể lại đã giúp người đọc hôm nay nhớ và hiểu về một thời vàng son của nghệ thuật cải lương." (Thất Sơn).
Mục lục:
Bài tựa của anh Thuần – Phong
Bài tựa của tôi
* Chương thứ nhứt
Mình nói, mình nghe (hồi – ký)
Lẩn thẩn chút chơi
Ở đời có bốn cái ngu
Tôi biết gì về gốc tích hát cải – lương
Bài thơ khen phong cảnh Mỹ - Tho của Học Lạc
Tư Triều, Bảy Triều
Bài Hành – Vân “Từ Hải” “Mật yêng hùng”
Nay thử hỏi người đứng đầu công buổi tiên khởi là ai?
Tống Hữu Định
Kinh lịch Hườn hay Quờn
Phạm Đăng Đàng
Bài Tứ đại khen Tống Hữu Định sùng tu Văn thánh miếu
Hồ Văn Trung
Đặng Thúc Liêng
Thơ “Quá Sài – Gòn hý viện cảm tác” (Đặng Thúc Liêng)
Nguyễn Thành Phương
…
* Chương thứ hai
Biết bao nhiêu, nói bấy nhiêu (hồi ký)
Ngày 11-11-1922
Ngày 31-3-23 và 1-4-23
Tư Lung, Chín Tửng, Năm Hy, Tư Mầu, Tư Nhơn, Huyện Đước, Sáu Nhiều, Sáu Ngọ
Bảy Nhiêu thuật chuyện đi nghe nhà tài tử Ba Lễ ca
Anh Bảy Nhiêu, ông bầu Cương
Tuồng Lục Vân Tiên diễn trong 2 đêm 3-11-23 và 4-11-23
Lối ca ra bộ được đưa lên sân khấu
Một năm quan trọng đánh dấu tiền đồ cải – lương: 1921 – 1922
Tỷ tê tâm sự
Bài hát cú “Tự thán” của cô Trần Quế Anh
Bài hát cú “Nhứt điểm tàn đăng”
Bài hát cú “Một bóng đèn khuya”
Bài hát cú “Hẹn gió thề trăng”
Bài hát cú “Nhứt dạ tri tình”
Bài hát cú “Đen bạc xưa nay”
Bài tứ tuyệt “Nguyệt khuyết”
Bài tú tuyệt “ Nguyệt áng”
Qua được truông trước còn truông sau
Cô Năm Phỉ qua mắt bác sĩ Anh Tuấn
Cô Năm Phỉ (bài của K.Q.S viết)
Văn – Hí –Ban
Cô Hai Xiêm, Năm Thiên, Hai Nữ, Sông Chung, Cô Bảy Ph. H
Mộc Quế Anh dâng cây
Năm 1924
…
Phần phụ lục
I. Bài Tứ - đại “Phụng Nghi Đình” (trích tậpThập tài tử)
II. Bài Tứ - đại “Ngô trảm Trịnh – Ân” (tập Bát tài tử)
III. Bài Tứ - đại “Ngộ trảm Trịnh – Ân”
IV. Bài Tứ - đại “Vợ Ngũ Thiệu bị tên”
V. Bài Tứ - đại “Vân Tiên”
VI. Bài Tứ - đại “Văn minh”
VII. Bài Tứ - đại “Tây – Nam – du”
VIII. Bài ca đi Tây
IX. Bài ca “Khổ sai Côn-Nôn”
X. Bài bình bán vắn “Cổ - động tranh thương”
...