Vào giữa năm 2004, có một tập hồi ký cá nhân đã thu hút sự chú ý của nhiều người ngay từ khi sách còn đang là bản thảo thô gửi đến nhà xuất bản và khi một vài chương của bản thảo được bạn bè yêu quí giới thiệu trước trên mặt báo. Đó là tập Hồi ký không tên của nhà báo Lý Quí Chung, nhà bình luận thể thao sắc sảo Chánh Trinh.
Đặt tên cho tập sách của mình là Hồi ký không tên, tác giả cho rằng “Hồi ký này ghi lại những sự kiện và những ngày tháng đáng nhớ trong cuộc đời của tôi, chủ yếu từ năm 1963 đến năm 1975 (phần hai từ 1975 đến 2004 được tóm lược). Tôi cố gắng tìm một cái tên đặt cho hồi ký này.Nhưng nghĩ mãi không ra. Hồi ký cũng là cuộc đời của mình. Đặt tên cho cuộc đời mình, điều ấy quả thật không dễ dàng. Cho nên tôi xin phép không đặt tên vậy!”.
Tên tựa sách là Hồi ký không tên, tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng , trong lời giới thiệu cho tập sách thì “Không tên” những vẫn “có tên” bởi mọi hồi ký đều do một người, một nhóm người nhớ lại và ghi chép những gì mà đời mình đã trải qua, đương nhiên kèm theo suy nghĩ về thế sự, nhân tình và không loại trừ tâm sự. Tập hồi ký có mặt rất nhiều tên mà tôi hiểu tác giả chọn tên cho tập hồi ký này đã hàm khái quát “số thành” những cái tên được thể hiện trong dòng chảy của năm tháng, những cái tên hóa thân vào sự kiên, mà không ít sự kiện nằm trong quá trình chuyển động dữ dội của Sài Gòn và Miền Nam, của Việt Nam, đặc biệt 15 năm (1960-1975), đất nước ta đối mặt với Mỹ, đối mặt trên chính trường, trên chiến trường…
Sinh ra trong một gia đình công chức thời Pháp thuộc, trưởng thành từ mảnh đất trải qua nhiều biến thiên thăng trầm của lịch sử, kể lại chuyện gia đình mình, chuyện đời mình, bên cạnh những dòng tự sự rất đỗi riêng tư là cả một bối cảnh lịch sử của Miền Nam Việt nam, của chính trường Sài Gòn sôi động từ những năm 40 cho đến sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập thống nhất 30 tháng 4 năm 1975.
Đọc Hồi ký không tên, cho dù bạn chưa từng sống ở Miền Nam, ở Sài Gòn, chưa từng trải qua những thời khắc chuyển động của lịch sử dân tộc tiến đến sự độc lập, vẹn toàn lãnh thổ và thống nhất nước nhà, bạn vẫn dễ dàng nhận diện và hiểu được một bức tranh nhiều gam màu cuộc sống và suy tư của đồng bào Miền Nam, của người Sài Gòn trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, từ góc nhìn của một cá nhân, của một người trong cuộc tiêu biểu.
Với những ai từng sống ở Miền Nam, ở Sài Gòn trước 1975, đọc Hồi ký không tên sẽ dễ dàng đồng cảm với những chia sẻ của tác giả về câu chuyện của một gia đình công chức sống qua hai chế độ; những câu chuyện chính trường miền Nam từ góc nhìn của một trí thức thao thức, trăn trở khi đứng trước “ngã ba đường”, của một cựu dân biểu chế độ Sài Gòn trong những trò bung xung của nghị trường. Và cả những câu chuyện nghề, chuyện đời của làng báo Sài Gòn trước và sau 1975…
Mãi đến cuối tháng 12 năm 2004, ấn bản đầu tiên đến được với bạn đọc cũng là lúc mà tác giả chỉ kịp nhìn mặt đứa con tinh thần của mình chưa đầy một tháng trước khi ông chia tay cuộc đời bởi căn bệnh ung thư tái phát.. Năm nay, nhân kỷ niệm 7 năm ngày nhà báo Lý Qúi Chung đi xa (03/03/2004 - 03/03/2012), bạn bè, gia đình, những người thân mong muốn tái bản tập sách với nội dung và bìa 1 như nguyên trạng lần ra mắt đầu , chỉ thay thế bìa lót và bìa 4 của tập sách. Và, bây giờ thì trước mặt chúng ta là tập sách Hồi ký không tên thay cho nén nhang tưởng nhớ đến một con người tài hoa…