"Trước Cách mạng tháng Tám, thời gian ở quê tôi như ngưng đọng lại, như không nghe thấy bước đi của các thế kỷ, một số phong tục, tập quán cổ xưa đâu từ các đời trước truyền lại còn nguyên vẹn. Chẳng hạn phong tục đón giao thừa. Cứ đến đêm ba mươi tết, một số trai làng tập hợp lại, bận áo quần Tết, đầu chít khăn đỏ, khăn vải điều, và mang nhị, mang trống cơm, mang sanh tiền đi chúc Tết khắp làng. Đến mỗi nhà các anh ấy tay vỗ vào trống cơm (cũng gọi là trống tầm vông) hát lên những bài hát điệu rất cổ sơ mà lời cũng rất cổ sơ, nói đến trời đất, nói đến “cây cỏ dương hòa” nói đến thần tài, thần mệnh, nói đến “con cháu đầy đàn”, nói đến âm dương, nói đến tạo hóa. Lời hát nửa đượm màu huyền bí, nửa rât hiện thực cuộc đời nằm trong một điệu nhạc trầm trầm, đều đều có một cái gì đó rất hấp dẫn, gợi lên bề sâu của sự sống ở nơi mảnh đất cổ xưa này. Cho đến hôm nay viết đoạn hồi ký này, tôi vẫn còn nghe trong tâm tưởng điệu nhạc ấy, giọng hát ấy, tiếng trống cơm ấy và còn thấy rõ những chiếc khăn điều tươi tắn hiện lên trong đêm như một tín hiệu thần tiên, hay nói đúng hơn như hé mở một thế giới nào vừa gần gũi vừa kỳ lạ mà tôi cảm thấy nhưng không nói rõ được ra lời."