Là bác sĩ y khoa Đại học Y Dược, thạc sĩ khoa học chuyên khoa nội, từng công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, là bác sĩ điều trị và nghiên cứu bệnh nhiệt đới lâm sàng trong khuôn khổ các chương trình tài trợ bởi Tổ chức y tế thế giới hợp tác giữ Bệnh viện Chợ Rẫy với Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và Đại học Amsterdam - Hà Lan (1987 – 1999), cố vấn dinh dưỡng của Unilever Bestfoods Việt Nam (2002), từ năm 2003 đến nay là bác sĩ điều trị cao cấp Khoa Tổng quát, Bệnh viện FV TPHCM, bác sĩ Lê Đình Phương được xem như một “bác sĩ viết văn” với tác phẩm đầu tay Người bệnh cuối ngày được đông đảo bạn đọc đón nhận.
Cũng như người anh em của nó, Lang thang như gió sẽ là những ghi chép tản mạn trong cuộc sống thường nhật cùa một thầy thuốc Việt Nam, Vui có, buồn có, tĩnh tại có, xê dịch có…
Có những ghi chép y học như: Người bệnh cuối ngày, Quà Tết, Trinh tiết dưới nhãn quan y học, Cát bụi đi về! Một nền y khoa đổ vỡ, Đi khám bệnh sao cho vui vẻ! v.v…
Có những ghi chép là bút kỳ du lịch, ghi lại trên những chặng đường đất nước như: “Đi cho thấy quê hương”, Các giá trị Huế nay ở đâu! Về miền Tây, Một nước Áo không ngủ quên, Utah và tình yêu Mẹ Thiên Nhiên, Milan ngập nắng, Tâm thức Việt trên đất Mỹ v.v…
Lại có các tùy bút âm nhạc bằng sự cảm thụ sâu sắc và dịu dàng với “Paris, âm nhạc và Chopin, Paul Mauriat và âm nhạc màu mây trời, Vì sao nhạc “sến” vẫn còn? Chopin, khuôn mặt tình yêu bất tuyệt”
Và các tùy bút khác bất chợt dâng trào cảm xúc khi sự sống hàng ngày diễn ra: Hoa và cái hôn của vợ người ngư dân, Tôn vinh thực học, Cháo lòng hay “định mức khuây khỏa” kiểu Sài thành, Nhân cơn sốt bất động sản nghĩ về từ “nhà”, Chuyện từ thiện… và còn nhiều, nhiều những cảm xúc như thế nữa được thể hiện trong tập sách này.
Tập bút ký được “phụ đề” thêm bằng một số tấm ảnh cùa chính tác giả chụp trên chặng đường rong ruổi của mình, mà như ông đã tâm sự: “La dolce vita, cuộc đời tuyệt đẹp! Nhưng đời thì ngắn ngủi và trôi qua như giấc mộng. Càng thấy hiếu điều này, tôi tìm đến nhiếp ảnh như một cách thức chụp bắt lại thời khắc tôi còn được sống, được đi và được … chụp ảnh”..”Đó là một phần ký ức vô ngôn nhưng hữu hình của tôi, người thích tự do và lang thang như gió”
Với chất giọng hiền lành, êm đềm và nhẹ nhàng, như chính nhạc sĩ Quốc Bảo đã nhận xét “người hiền viết văn hiền. bạn tôi là người hiền”, bác sĩ Lê Đình Phương đã dẫn dắt người đọc qua từng trang giấy, từng cung bậc cảm xúc và cũng nhiều day dứt.
==========
“Đọc Lang Thang Như Gió cũng giống kê chiếc dép ngồi hóng chuyện người ta, nghe chìm vào nỗi ưu tư của ông thầy thuốc với những người bệnh khó chiều trong khung cảnh nhập nhoạng của nền y khoa đổ vỡ, nghe đắm trong niềm háo hức với cảnh lạ người xa, nghe tê mê lây sự rạo rực của gã đàn ông bị những cái đẹp chung quanh chuốc say lảo đảo. Cái đẹp không chỉ là cảnh mặt trời lên ở Zion, mà còn ở buồng chuối chín cây của người bệnh nghèo mang biếu ông thầy thuốc. Và trước những vẻ đẹp cuộc đời đang bị vấy bẩn, hỏi sao cuốn sách này lại nhuốm day dứt trên từng trang, từng trang...”
(Nguyễn Ngọc Tư - nhà văn)
“Những gì Lê Đình Phương viết trong tập sách này, là những câu chuyện đã được anh kể trực tiếp cho tôi từ khi thành bạn, một tình bạn nhẹ nhàng êm đềm mà cả hai đều biết cách nuôi dưỡng bằng lòng trắc ẩn, cảm thông và tình yêu chung dành cho Saigon, Saigon của chúng tôi.
Chúng tôi thuộc về một thế hệ đã đủ đổ vỡ, mất mát để biết yêu quý và gìn giữ những điều nhỏ nhoi trong tầm tay mình: như ký ức Saigon, như tình bạn, như nhiếp ảnh, như âm nhạc, như rượu. Như lịch sử, như địa linh nhân kiệt”.
(Quốc Bảo - nhạc sĩ)
“Khi khám phá điều đã biết lẫn chưa biết, thử nghiệm biên độ của những giới hạn và chấp nhận, nếm trải những cấm kỵ và cho phép, Phương là hiện thân của tinh thần tự do. Phương đã cho người đọc thấy được tính chất đa diện của xã hội mình đang sống, cũng như năng lượng dâng trào của người Vỉệt. Đó là cộng đồng không còn cam tâm làm kẻ bàng quan. Đó là những người không ngần ngại nói lên suy nghĩ cá nhân và muốn can dự nhiều hơn với quê hương xứ sở”.
(GS-BS. Thạch Nguyễn, Trung tâm Tim Mạch Holy Mary, Indiana, Hoa Kỳ)