Trên đường thiên lý, tôi đi tìm và đã gặp…
Đó không chỉ là những kỳ tích chiến đấu anh hùng, những tấm gương kiên trung, bất khuất mà còn có những số phận con người, những ước mơ, trăn trở, uẩn khúc, nỗi đau…
Có rất nhiều thứ bị chôn vùi dưới lớp bụi thời gian
Cả sự bạc đãi, lãng quên…
Nhưng tôi tin không có gì mất đi.
Không-ai-điều-gì-bị quên lãng.
Cho dù chị Nguyễn Thị Bé Sáu - Trung đội trưởng Trung đội nữ pháo binh vành đai Bình Đức khi hy sinh không kịp gặp lại chồng, không kịp sinh con, thậm chí không để lại cho người thân một bức di ảnh. Nhưng trong mắt tôi, chị vẫn sống, đẹp rỡ. Trong khoảnh khắc nghiệt ngã, khi đội nữ pháo binh bắn pháo vào căn cứ Đồng Tâm rút đi, địch phản pháo, ngôi nhà các chị chọn làm nơi đặt trận địa pháo bị bom xăng Mỹ đốt cháy, trùm lên ngọn lửa dữ dội; chị Bé Sáu có thể nhanh chân thoát ra ngoài, cùng các chiến sĩ của mình. Nhưng tiếng khóc của những đứa trẻ đã níu chân chị lại. Chị lao vào ngọn lửa cứu các em. Những đứa trẻ được cứu sống nhưng chính bản thân chị đã không thoát khỏi ngọn lửa. Chị chọn cái chết cho mình để những đứa trẻ được sống.
Cho dù Mười Thoa, Bảy Huyền - những cô gái khiến anh Đỗ Tiến Lực - nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND Quận 2 - ngưỡng mộ vì đã dẫn dắt anh đi làm cách mạng bị bom pháo chôn vùi, bị tra tấn tàn bạo đến chết trong nhà tù thì nhan sắc của các chị vẫn lung linh, tỏa sáng.
Cho dù là một câu chuyện phiếm vu vơ từ một chị kế toán cơ quan, kể về những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Cha của chị là một luật sư, sẵn sàng từ bỏ vinh hoa phú quý, vào chiến khu Đồng Tháp Mười tham gia kháng chiến. Tại ngôi nhà của gia đình chị được dựng lên giữa đầm sen đã từng là nơi giam lỏng một tù binh Pháp - sau khi anh ta nhảy dù xuống cánh đồng cỏ lác bất thành, bị du kích đầm sen bắt giữ. Nhưng chính hình ảnh cô gái tật nguyền bị dạt ra bên lề cuộc kháng chiến đã cảm hóa anh ta, làm thay đổi nhận thức về đất và người. Cô gái đã tự sát vì không muốn mình bị ô uế bởi những tên lính lai đen tàn bạo, khát máu.
Ðâu đó, trên những nẻo đường đất nước, tôi cảm nhận được linh hồn những người còn gái chết trẻ còn lẩn khuất đâu đây. Tôi luôn bị ám ảnh với câu hỏi, vì sao những người phụ nữ đẹp ấy phải dấn thân vào mưa bom bão đạn, lại bom vùi, bị ném xuống sông, bị ngọn lửa thiêu đốt, bị vùi dập, bị cắt ra từng mảnh, bị kéo lê trên đường, bị đánh đập tra tấn cho đến chết?!
Xin hãy cùng tôi sống chậm lại vài giây phút, cùng tôi mở ra những trang sách, để cảm nhận chết đi không có nghĩa là hết. Các chị trở về, quấn quýt cùng những người thân trên dương thế, hóa thân vào từng ngọn cỏ lá cây của quê hương, trong hoa trái đầu mùa, nhắc chúng ta phải biết sống nghĩa tình, trách nhiệm, yêu thương, bao dung và chia sẻ.
(Nhà văn Trầm Hương)