Với tập sách đầu tay Bật một que diêm (NXB Trẻ – 2009), nhà báo Lưu Đình Triều đã khiến mọi người giật mình, nhìn lại. Nhìn sự việc và con người bình thường, do bình thường quá đỗi nên ít người ghé mắt đến. Nhưng trong mắt nhìn của một nhà báo lại khác. Thì ra, chúng quanh ta vẫn còn, còn rất nhiều thân phận tuổi trẻ không đầu hàng số phận. Không đánh đu theo số phận.
Và bây giờ, ở tập sách Tổ quốc không có nơi xa, một lần nữa cũng máu thịt, hồn vía một thế hệ tuổi trẻ lại lừng lững đi vào trang viết của nhà báo Lưu Đình Triều. Với tựa tập sách như thế, hẳn bạn đọc nghĩ rằng, hồn nước luôn hiện hữu từ chân tơ đến kẽ tóc trong tâm hồn mỗi người. Và Đất của Tổ quốc, nơi nào lại không thấm đẫm máu và mồ hôi nhọc nhằn của nhiều thế hệ đi giữ Nước. Vâng, khái niệm xa và gần không là một khoảng cách cả địa lý. Vượt qua mọi khoảng cách, Tổ quốc luôn gần lắm, gần lắm trong ý thức công dân. Với suy nghĩ đó, nhà báo Lưu Đình Triều đã đi ra Trường Sa, Vũng Tàu, Côn Đảo ngược lên biên giới Hà Giang, Điện Biên, hành hương về Tân Trào, sống với mùa lũ sông Đà rồi lang thang cùng phố phường Hà Nội... Cứ thế, chất liệu sống ngồn ngộn đã đánh thức con chữ cựa quậy trong tâm thức người đọc. Hãy nghe anh kể chuyện đến với Trường Sa, đang là mối quan tâm hàng đầu của con dân nước Việt khi biển Đông đang từng ngày dậy sóng… (Lưu Đình Triều – Rung một hồi chuông / Lê Minh Quốc)