Đã có biết bao quyển sách viết về anh, đã có biết bao đêm nhạc đốt nén hương trầm vọng nhớ về anh. Nhưng biết bao trang viết về anh đó, nhưng không phải ai cũng sẵn một tấm lòng, hiểu hết trọn vẹn tâm hồn anh, không phải ai cũng biết kính trọng sự thực nên đã có quá nhiều thông tin khá tự do về cuộc sống riêng tư của chính anh, mà người viết biết chắc rằng anh sẽ chẳng có lời để thanh minh. Trước nhiều thông tin gần như nhiễu loạn ấy, quyển sách Trịnh Công Sơn có một thời như thế của nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân đã phần nào thẩm định lại với một cái nhìn khá khoa học và chân xác. Tác giả đã đi cùng Trịnh Công Sơn gần như suốt quãng đời anh sống với những biến động từng thời kỳ lịch sử tác động gần nhất đến tâm gồn anh.
Ở cuốn sách này ta có thể nhìn thấy một Trịnh Công Sơn ở tuổi hai mươi từ mái trường Sư phạm Quy Nhơn với nỗi cô đơn rất hiện sinh về thân phận con người,… Trịnh Công Sơn với người bạn thân Ngô Kha trong hoạt động táo bạo đấu tranh cho hòa bình, từ đấy để thấy một Trịnh Công Sơn với tấm lòng tràn trề yêu nước.
Và để hình dung ra trong những dòng: “Phác thảo chân dung tôi”, ghi lại cảm xúc cảu cả đời mình, với những hồi ức, về mối tình đầu lãng mạn với Diễm, những kỉ niệm đầu đời Ướt mi từ giọt nước mắt của cô ca sĩ mỏng manh trong trái tim đầy ắp yêu thương của chàng trai 20 tuổi…
Quyển sách khép lại với một dòng tự sự: “Tôi đang sống, tôi đang yêu và đang hát giữa quê hương tôi”. Tất cả chừng ấy đã gói trọn tấm lòng anh có cùng cuộc đời.