Đã có nhiều cuốn sách viết về cuộc đời và những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn nhưng lại không nhiều những cuốn sách có tính chất chuyên luận, nghiên cứu về nghệ thuật trong ca từ của ông. Trịnh Công Sơn - hạt bụi trong cõi thiên thu của Bích Hạnh là một công trình trong số ít đó.
Với những nghệ sĩ lớn thì tác phẩm của họ có một trường ảnh hưởng rất rộng, người bình thường cảm nhận một cách, các nhà phê bình cũng có thể coi đó là đối tượng nghiên cứu chuyên sâu theo cách khác.
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn là một giá trị đã được khẳng định hoàn toàn tự nhiên trong lòng công chúng nhưng bên cạnh đó, nửa còn lại là phần ca từ rất cần có những khảo cứu khoa học để thấy hết được cái hay, cái độc đáo và đương nhiên qua đó, người nghe nhạc Trịnh Công Sơn mới cảm nhận được hết vẻ đẹp trong âm nhạc của ông.
Không riêng trong âm nhạc mà đối với các môn nghệ thuật khác cũng vậy, ai cũng có thể cảm nhận được theo cách riêng của mình. Nhưng phân tích và lí giải thấu đáo thì chỉ có những nhà chuyên môn mới làm được. Bích Hạnh là người nghiên cứu ngôn ngữ, chị coi ca từ của Trịnh Công Sơn là một loại văn bản. Chị dùng phương pháp ngôn ngữ học thống kê, bắt đầu ở đơn vị cơ bản là từ để tìm ra các biểu tượng nghệ thuật trong ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn. Ví dụ: Đá - Buồn, Núi - Hẹn, Lửa - Khát, Biển - Đợi, Ngày, mùa, đời người - Thời gian tâm lí, Tiếng súng - Thức gọi, Lời ru - Quên; Con đường - Không gian sống; Đi, về - Kiếp người,…
Song song đó là một thao tác khác: xếp chồng văn bản. Chị xem ca từ, cuộc đời Trịnh Công Sơn và ngữ cảnh văn hoá thời ông sống là ba loại văn bản khác nhau, nghiên cứu và đặt ba loại văn bản này dưới góc nhìn của văn hoá biểu tượng để xâu chuỗi, lí giải nguồn gốc và tìm ra ý nghĩa biểu trưng của những biểu tượng nêu trên, góp phần hiểu rõ thêm sự khúc xạ của tư tưởng Phật giáo và tư tưởng triết học Hiện sinh phương Tây vào trong ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn như thế nào.
Khám phá biểu tượng thông qua ngôn ngữ ca từ của Trịnh Công Sơn để thấy được hồn cốt nghệ thuật của ông, thấy được con người thi sĩ trong ông, đó là mong muốn của nhà nghiên cứu Bích Hạnh khi viết chuyên luận này.