Nằm trong Tủ sách Biển đảo Việt Nam của NXB Kim Đồng, Trong Giông Gió Trường Sa là tập sách mới, tuyển chọn những bút kí hay về Trường Sa của các nhà văn nổi tiếng như Duy Khán, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Đình Tú, Sương Nguyệt Minh…
Qua gần 150 trang viết chân thực và giàu cảm xúc, các nhà văn đã miêu tả lại một Trường Sa với những khắc nghiệt của thiên nhiên, thời tiết, của cuộc sống trên đảo và những biến động của tâm trạng con người. Và đối lập với những khó khăn đó là những cảnh đẹp hiếm gặp chỉ có ở Trường Sa, những phút giây thú vị trong cuộc sống của những chàng lính đảo. Độc giả sẽ được trải nghiệm một chuyến đi Trường Sa từ khi bước lên tàu, trải qua những khó khăn trên tàu, cho tới khi lên được đến đảo, được thăm cuộc sống và sinh hoạt của các chiến sĩ trên đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn…
Những khắc nghiệt của thiên nhiên Trường Sa được khắc họa thật sinh động, có hồn, với "gió gào điên cuồng đập cửa như quân cướp… Tự nhiên cây nước chọc trời, xám ngoét mọc lên giữa biển. Một lát cơn lốc xoáy tràn vào đảo. Tất cả các miếng tôn đều bay lên rợp trời. Phuy xăng cũng bay lên. Con dao phay và thớt của anh nuôi cũng bay lên, quay tít. Nồi niêu, xoong chảo loảng xoảng… Trước khi tan, nó dồn nước xuống như trời úp, trời nghiêng, nước xối xả tối tăm mặt mũi…”. Thậm chí "sóng có thể dựng lên, vượt qua luôn cả mái nhà cao ba mươi ba mét… thành ra số phận những chiếc tàu trực cũng thật mỏng manh”. Ngoài những cơn gió muối phá hủy mọi cây cối, vật liệu, vũ khí... trên đảo còn có những cơn gió chướng "rất độc và hay gây nên những hiện tượng không bình thường”. Tuy thế, nhưng có lúc, bạn lại được thả hồn, bồng bềnh ngỡ như ở trên tiên cảnh với cảnh tượng cầu vồng xuất hiện trước và sau cơn mưa, "một chân ở bên cực Bắc, chân kia vắt sang mép sóng phía cực Nam của đảo… Toàn đảo chìm trong thế giới của bảy sắc lung linh huyền ảo đến ngỡ ngàng”, hay ngắm mặt trời những buổi hoàng hôn với cảnh sắc độc đáo "mặt trời như một chảo lửa đỏ lừ cứ từ từ chìm xuống, biển hắt ánh chiều nhuộm đỏ không gian”.
Thiên nhiên khắc nghiệt là thế, nhưng cái khắc nghiệt còn khó vượt qua gấp bội, đó là nỗi cô đơn của lòng người. Có chàng lính trẻ từng tâm sự "Cái sợ nhất ở đảo là sự cô đơn anh ạ. Nhìn mãi ra biển nên đâm sợ màu xanh. Mỗi khi thủy triều rút, đầu óc thần kinh mình như bị rút theo, sa sầm cả mặt mày.” Nhiều khi, những người lính đảo chỉ mong ước "Giá bây giờ có một giọng à ơi phụ nữ, một tiếng trẻ khóc u oa thì dễ chịu biết bao”. Đến cả những chú ỉn cũng được coi là bạn như con người, một hình ảnh ấn tượng và đáng nhớ là khi các chàng lính đảo phải dứt lòng thả những chú ỉn xuống biển (dù đảo luôn thiếu đồ ăn tươi) khi không còn đủ nước ngọt để dùng… Những giây phút thú vị nhất trên đảo là khi có các đoàn khách ra thăm, các đoàn văn công đến biểu diễn, những buổi ngụp lặn ngắm san hô, bắt cá, những lúc cùng quây quần bên nhau kể chuyện quê nhà… Dù cuộc sống, chiến đấu trên đảo còn muôn vàn khó khăn, nhưng vì từng tấc đất, vùng trời, vùng biển Tổ quốc mà các chiến sĩ vẫn vượt qua mọi khó khăn, gắn bó với Trường Sa "coi đảo là nhà, là sự nghiệp của mình”.
Qua những trang viết giàu hình ảnh và đầy xúc cảm, độc giả sẽ được trải nghiệm cuộc sống trên đảo với nhiều cung bậc cảm xúc: một Trường Sa thật dữ dội, khắc nghiệt nhưng cũng thật hiền hòa, dịu êm; cuộc sống trên đảo có lúc cô đơn rợn ngợp nhưng cũng thật thú vị, đầm ấm, chứa chan tình người. Đọc xong cuốn sách, chắc hẳn mỗi độc giả sẽ đều ấp ủ mong muốn một lần được đến với Trường Sa.