VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM
Phan Tứ (Lê Khâm) là một nhà văn xuất sắc viết về đề tài chiến tranh giải phóng đất nước. Sinh ngày 20-12-1930, ông qua đời ngày 17-4-1995, được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000.
Năm 2002, Nhà Xuất bản Văn học đã in "Phan Tứ toàn tập" ngót 3000 trang. Năm 2007, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân đã in tập truyện và ký "Thức tỉnh" ngót 400 trang.
Tuy nhiên, ông còn để lại một khối di bút khá đồ sộ: một bộ nhật ký và ghi chép với 53 quyển sổ tay, tổng số ngót 7000 trang. Ông bắt đầu ghi từ tháng 7-1961 khi rời Hà Nội vào chiến trường Khu 5 và kết thúc cuối 1975 sau chiến thắng. Trong hơn 5 năm ở chiến trường, ông miệt mài và tỉ mỉ ghi lại các diễn biến sự việc, con người, cảnh vật và những cảm xúc, suy nghĩ của mình... Ông công phu bảo vệ nguyên vẹn và đem ra Hà Nội 34 quyển sổ tay, tổng số ngót 4000 trang, chữ đẹp, nhưng nhỏ li ti, phải phóng to ra giấy A4 mới đọc được. Thật đáng ngạc nhiên với đôi mắt cận thị nặng, bàn tay và cột sống sớm bị cứng khớp, trong điều kiện thiếu ánh sáng ở núi rừng, lại thêm nhiều ngày đói cơm lạt muối, luôn bị những cơn sốt rét rừng, vắt, đỉa, muỗi mòng hành hạ, chưa kể bom đạn và càn quét, phục kích của địch, ông phải luôn động não để ghi bằng nhiều thứ tiếng và ký hiệu nhằm bảo vệ bí mật, rủi tài liệu có lọt vào tay địch thì chúng cũng khó lòng giải mã ra được để đánh phá.
Để đánh giá đúng ý nghĩa và giá trị của khối lượng di bút ấy, cần biết qua con người và mục đích ghi chép của Phan Tứ.
Ông thực sự thuộc "Thế hệ vàng" của Thanh niên Việt Nam xuất hiện với Cách mạng tháng Tám: là con trai độc nhất trong 7 người con của một gia đình trí thức yêu nước, ông sớm rời tổ ấm gia đình, lao vào cuộc chiến đấu của dân tộc, không ngừng rèn luyện để trưởng thành. 15 tuổi đã sống như một đoàn viên thanh niên kháng chiến, 20 tuổi trở thành đảng viên, vào quân đội hơn 3 năm trong lực lượng quân tình nguyện sang giúp nước bạn Lào chiến đấu chống Pháp. 24 tuổi, từ Hạ Lào hành quân về Cảng Quy Nhơn tập kết ra Bắc, nén lòng không ghé thăm gia đình đang sống ở miền Tây Quảng Nam.
Ông bước vào sự nghiệp văn học với hai tác phẩm về chiến trường Lào được đánh giá khá tốt. Riêng quyển "Trước giờ nổ súng" rất được bạn yêu thích, đã dịch ra tiếng Lào và xây dựng kịch bản phim "Bản anh hùng ca số 5".
Phan Tứ sớm ấp ủ hoài bão viết một bộ tiểu thuyết lớn bao trùm toàn bộ hành trình đi lên và chiến đấu thần kỳ thoát nô dịch của dân tộc ta. Nhà thơ Tố Hữu, lãnh đạo văn học đầy uy tín đã rất tâm đắc và ủng hộ ông.
Năm 1960-1961, ông đang học năm cuối khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, tích cực mở rộng tầm nhìn và luyện kỹ năng viết, thì cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam rộ lên. Nhà văn Lê Khâm đã rời ghế nhà trường, và trong đoàn cán bộ chi viện cho chiến trường có mặt với tên Phan Bốn (là con thứ tư của bà Phan Thị Châu Liên, con gái chí sĩ Phan Châu Trinh). Sau vì có nhiều người trùng tên, ông đã đổi thành Phan Tứ. Hơn 5 năm lăn lộn ở chiến trường, nhiều lúc cận kề cái chết, ông trưởng thành nhanh chóng, được công nhận là Huyện ủy viên của vùng đất lửa Tam Kỳ (Quảng Nam) nhưng rồi sức khỏe quá suy giảm, ông được cho ra miền Bắc để chữa bệnh.
7 năm ở miền Bắc làm đối ngoại, sáng tác và hoạt động trong Hội Nhà văn, ông đã tiếp tục ghi thêm 15 cuốn sổ với 2400 trang về thực tế cuộc sống và hoạt động trong chiến tranh phá hoại và chế độ bao cấp...
Giữa năm 1974 sôi động, chuẩn bị cho bước quyết định, ông được trở về chiến trường: 5 cuốn sổ với 400 trang đã được ghi về thời gian chuẩn bị và cuộc hành trình quân cấp tốc theo bước chân thần tốc của quân đội, giải phóng toàn tỉnh Quảng Nam rồi tham gia tiếp quản thành phố Đà Nẵng. Sau đó cùng một số nhà văn lao vào Sài Gòn, kịp chứng kiến những ngày huy hoàng "Giải phóng thành đô"...
Sau khi ông qua đời, người vợ thủy chung Đinh Thị Phương Thảo đã trân trọng giữ gìn khối sổ ghi chép ấy như báu vật để lại. Có nhiều ngần ngại trong việc đưa ra công khai, vì ở trang đầu mỗi cuốn sổ, ông luôn ghi: "Mật - ghi chép riêng của Phan Bốn (hay Tứ) không ai được xem". 10 năm sau, người chị ruột gần gũi thân thiết nhất của ông, bà Lê Thị Kinh tức Phan Thị Minh đã thuyết phục gia đình và bè bạn, đồng nghiệp quyết tâm "giải mã" khối di bút ấy, trước tiên là 34 cuốn sổ với ngót 4000 trang ghi bằng nhiều thứ tiếng và ký hiệu tại chiến trường. Mặc dù đã ở tuổi ngoài 80, bà đã tình nguyện làm chủ lực trong công việc này.
Bà Phương Thảo, vợ ông đã rất cố gắng trong khôi phục bản thảo, hiệu đính những chỗ mất câu, mất chữ và phóng to các trang sổ ra giấy A4 để có thể đọc được. Đặc biệt công việc biên dịch do bà Kinh (Minh) chủ trì, từ các nội dung viết bằng tiếng Lào, tiếng Pháp và tiếng Nga đòi hỏi công sức rất lớn và nhiệt tình của nhiều người (phần lớn là người cao tuổi, bạn của hai chị em) đã kéo dài trong suốt 5 năm (từ 2005 đến 2010), vì phải hiệu đính và chỉnh lý nhiều lần. Nhà văn Thanh Quế, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng từng hoạt động nhiều năm ở chiến trường đã giúp hiệu chỉnh lần cuối, chọn lọc rút từ khối 4000 trang tư liệu đồ sộ ra bản thảo ngót 1500 trang "Từ chiến trường khu V" (Nhật ký và ghi chép). Đại tá, nhà thơ Lê Anh Dũng, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng đã bám sát bản thảo và có văn bản đề xuất để cho xuất bản lần này. Sách mở đầu từ lúc nhà văn rời Ban Tuyên huấn Khu 5 để vẽ đồng bằng mở ra vùng giải phóng đầu tiên Tứ Mỹ (Nam Tam Kỳ). Và kết thúc lúc ông chấm dứt hành trình 2 tháng rưỡi đi bộ gian khổ trên đường Hồ Chí Minh tại huyện Lệ Thủy - Quảng Bình, về đến Hà Nội sau 5 ngày đêm đi xe tải dưới bom đạn...
Vốn là một nhà văn nghiêm túc cẩn trọng, có thói quen quan sát tỉ mỉ tinh tế, những trang ghi chép của Phan Tứ không những đã giúp ông có được những tác phẩm nổi tiếng như: Gia đình Má Bảy, Mẫn và tôi, Người cùng quê, v.v... mà còn giúp chúng ta hình dung rõ nét cuộc sống chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên một địa bàn rộng lớn từ Quảng Nam, căn cứ Khu 5 và suốt con đường Hồ Chí Minh trong một giai đoạn quyết liệt của cuộc kháng chiến của dân tộc. Hy vọng tập Nhật ký và ghi chép này sẽ được sự đón nhận nhiệt tình của bạn đọc gần xa.
NHÓM BIÊN SOẠN
Xin trân trọng giới thiệu!